Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của pháp luật

Thứ 6 , 22/11/2024, 10:38


Ma túy đã và đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội, gây ra nhiều hệ lũy cho người dân cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển chung của kinh tế. Phòng, chống ma túy là việc luôn được pháp luật đặt lên hàng đầu. Vậy theo pháp luật hiện hành, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn liên quan đến vấn đề trên.

1. Ma túy là gì? 

     Theo định nghĩa của Tổ chức Liên Hợp Quốc, ma túy được hiểu là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng". Theo tổ chức y tế thế giới WHO, ma túy theo nghĩa rộng nhất là “Mọi thực thể hóa học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khỏe bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”. Từ đó có thể hiểu ma túy là chất kích thích thần kinh gây cảm giác như giảm đau, hưng phấn, dễ chịu, buồn ngủ mà nếu dùng nhiều lần sẽ phải sử dụng lại chất này nếu không cơ thể sẽ cảm thấy rất khó chịu và ma túy còn gây tổn hại đến sức khỏe của người dùng. Có thể phân loại ma túy thành các dạng sau:

  • Ma túy tự nhiên

  • Ma túy bán tổng hợp

  • Ma túy tổng hợp

     Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống ma túy 2021, chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.

     Người sử dụng trái phép chất ma túy là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính.

  

2. Tác hại của ma túy

     Đối với bản thân người sử dụng ma tuý gây tổn hại về sức khoẻ như hệ tiêu hoá, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Nghiện ma tuý dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma tuý mãn tính, người gầy gò, xanh xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, dáng đi xiêu vẹo, cơ thể gầy đét do suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ ngày, sức khoẻ giảm sút rõ rệt. Người nghiện ma tuý bị suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma tuý quá liều có thể bị chết đột ngột.

     Với xã hội, hàng năm, Nhà nước phải chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cho công tác cai nghiện ma tuý, công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Ma túy cũng làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình và xã hội cả về số lượng và chất lượng; làm cho thu nhập quốc dân cũng giảm, chi phí cho dự phòng và chăm sóc y tế lại tăng; ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, khách du dịch; ma tuý là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự (trộm, cướp, buôn bán ma túy, buôn bán người, khủng bố…); là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác (mại dâm, cờ bạc…).

3. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

3.1. Các yếu tố cấu thành tội phạm "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy"

     Về chủ thể: Chủ thể thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị coi là tội phạm khi đủ 16 tuổi trở lên, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự 2015 có quy định khác.

     Về khách thể: Là chế độ quản lí của nhà nước về việc sử dụng chất ma túy với mục đích chữa bệnh. Bởi vậy, quan hệ xã hội bị xâm phạm còn bao gồm cả tính mạng, sức khỏe, trật tự an toàn xã hội.

     Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người sử dụng chất ma túy. Tuy nhiên, người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là nạn nhân mà ngược lại họ là người chủ động sử dụng ma tuý.

     Về mặt khách quan của tội phạm: Phạm tội tổ chức nhất thiết phải có từ 2 người trở lên. Là một hình thức đồng phạm có sự kết cấu chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm cụ thể, bao gồm các vai trò như sau:
  • Người tổ chức

  • Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa ma tuý vào cơ thể người khác

  • Thuê, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý...để sử dụng ma tuý và đưa ma tuý vào cơ thể người khác

  • Nguồn ma tuý để sử dụng

  • Tìm người và chuẩn bị phương tiện để sử dụng trái phép chất ma tuý và đưa ma tuý vào cơ thể người khác

  • Các hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.

     Về mặt chủ quan của tội phạm: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý, có nghĩa là người phạm tội biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy được trước các tác hại của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Hành vi chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, không tồn tại trường hợp nào do lỗi cố ý gián tiếp. Mục đích của người phạm tội là mong muốn đưa chất ma túy vào cơ thể người khác với nhiều cách và mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là vì mục đích vụ lợi. Đây là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm.

     Các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh mục đích của người phạm tội. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội là mong muốn đưa chất ma tuý vào cơ thể của người khác thì không phải là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, mà tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, tội mua bán trái phép chất ma tuý...hoặc sử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.

3.2. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý như thế nào?

     Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

đ) Đối với người đang cai nghiện;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

d) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

     Như vậy, tùy theo mức độ nghiêm trọng và hậu quả của tội phạm mà tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý hình sự, nhẹ nhất là phạt tù 02 năm, nặng nhất có thể bị phạt tù chung thân. Ngoaifra, người phạm tội còn có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Hỏi đáp về tội sử dụng trái phép chất ma túy

Câu hỏi 1: Rủ rê người khác sử dụng trái phép chất ma túy bị xử phạt như thế nào?

     Căn cứ theo Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt tù thấp nhất là từ 1 - 5 năm. Tùy tính chất và mức độ, hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân.

     Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Câu hỏi 2: Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý như thế nào?

     Người dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Nhưng riêng đối với người dưới 18 tuổi thì không bị xử lý hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015

     Căn cứ vào quy định tại Điều 33 Luật Phòng chống ma túy 2021, người dưới 18 tuổi nghiện ma túy sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều này. Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định.

Câu hỏi 3: Người chứa chấp, cho người khác mượn địa điểm để sử dụng trái phép chất ma tuy bị xử lý như thế nào?

     Căn cứ theo Điều 256 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người nào có hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 Bộ luật này thì sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt tù thấp nhất là từ 2 năm đến 7 năm tù. Tùy tính chất và mức độ, hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là 15 năm tù.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

     Bài viết liên quan:

     Để được tư vấn chi tiết về các quy định liên quan đến vấn đề "Tội sử dụng trái phép chất ma túy", khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]