Tội vi phạm quy định về sử dụng đất
Thứ 3 , 19/11/2024, 10:38
Câu hỏi của bạn:
Xin chào Luật sư! Luật sư cho tôi hỏi đối với trường hợp vi phạm quy định về sử dụng đất có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn !
Câu trả lời của Luật sư:
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tội vi phạm quy định về sử dụng đất, chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Nghị định 91/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP.
Nội dung tư vấn:
1. Tội vi phạm quy định về sử dụng đất là gì?
Tội vi phạm quy định về sử dụng đất là hành vi cố ý của một chủ thể làm trái với quy định của pháp luật về sử dụng đất đai nhằm gây thiệt hại hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích của các chủ thể khác.
2. Cấu thành tội vi phạm quy định về sử dụng đất
Căn cứ theo quy định tại Điều 228 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai
1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2.1: Khách thể của tội vi phạm quy định về sử dụng đất
Khách thể của tội vi phạm quy định về sử dụng đất là hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai và quản lý đất đai xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của nhà nước trong lĩnh vực về sử dụng đất đai.
Đối tượng tác động của tội phạm là đất đai.
2.2: Mặt khách quan của tội vi phạm quy định về sử dụng đất
Mặt khách quan của tội phạm bao gồm các hành vi :
- Hành vi lấn chiếm đất: lấn chiếm đất được hiểu là việc tự ý lấy thêm đất liền kề với đất của mình nhằm mở rộng diện tích; dùng thủ đoạn chiếm lấy đất của người khác làm đất của mình mà trước đó mình không hề có hay đất do Nhà nước tạm giao hoặc mượn trong thời gian thi công công trình sau đó không trả lại đất hoặc việc sử dụng đất của người khác, đất công cộng mà không được pháp luật cho phép;
- Hành vi chuyển quyền sử dụng đất trái với các quy định của nhà nước (bao gồm: chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn) được hiểu là hành vi chuyển quyền sử dụng cho người khác không đúng với quy định của nhà nước;
- Hành vi sử dụng đất trái với quy định của nhà nước: là trường hợp người được giao đất đã sử dụng đất không đúng với mục đích được giao.
Về hậu quả, đối với tội vi phạm quy định về sử dụng đất đai, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định về sử dụng đất nhưng hậu quả chưa nghiêm trọng, thì người có hành vi vi phạm quy định về sử dụng đất phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định của nhà nước về sử dụng đất gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cho cơ quan, tổ chức và những thiệt hại nghiêm trọng khác cho xã hội.
2.3: Mặt chủ quan của tội vi phạm quy định về sử dụng đất
Đối với tội vi phạm quy định về sử dụng đất là lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Động cơ của tội phạm là vụ lợi cá nhân.
2.4: Chủ thể của tội vi phạm quy định về sử dụng đất
Người phạm tội phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của Bộ Luật hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên).
3. Khung hình phạt đối với tội vi phạm quy định về sử dụng đất
Căn cứ theo quy định tại Điều 228 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định hai khung hình phạt:
3.1: Khung 1:
Quy định mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người có hành vi lấn chiếm, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
3.2: Khung 2
Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
3.3: Hình phạt bổ sung
Ngoài hình phạt chính, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (và chỉ được áp dụng khi hình phạt chính không phải là phạt tiền).
4. Hỏi đáp về tội vi phạm quy định về sử dụng đất
Câu hỏi 1: Tội vi phạm quy định về sử dụng đất có được hưởng án treo không?
Theo quy định tại Điều 1, Nghị quyết số 02/2018 NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi bổ sung bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo thì “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.”
Theo đó, với tội vi phạm quy định về sử dụng đất để được hưởng án treo thì người phạm tội phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây : bị xử phạt tù không quá 03 năm; có nhân thân tốt; có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định; xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù; không thuộc các trường hợp không được hưởng án treo.
Câu hỏi 2: Hành vi lấn, chiếm đất bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP:
1. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta
;d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
2. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
Ngoài ra người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm theo quy định và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định;
- Buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Theo đó, căn cứ vào loại đất bị lấn chiếm và diện tích đất bị lấn chiếm để xác định mức xử phạt hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất đai theo quy định nêu trên.
Mức xử phạt hành chính theo quy định trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức xử phạt hành chính sẽ gấp 02 lần cá nhân.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về tội vi phạm quy định về sử dụng đất
Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về tội vi phạm quy định về sử dụng đất và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về tội vi phạm quy định về sử dụng đất tới địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn !
Chuyên viên: Nguyễn Anh
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]