Hình phạt đối với tội sản xuất mua bán pháo nổ quy định như thế nào

Thứ 6 , 22/11/2024, 10:38


Càng gần dịp cuối năm, hoạt động sản xuất, buôn bán pháo nổ trái phép có chiều hướng tăng lên, với nhiều vụ việc bị phát hiện, xử lý, trong đó có một số vụ xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc tích cực và mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng này. Vậy theo pháp luật hiện hành, tội sản xuất, buôn bán pháo nổ được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn liên quan đến vấn đề trên.

1, Pháo nổ là gì?

     Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, pháo nổ được định nghĩa như sau:

Điều 3: Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.

...

     Cũng trong quy định này, pháo nổ được định nghĩa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

     Do có chứa thành phần là thuốc pháo nên khi sản xuất hoặc sử dụng, nếu không tuân thủ các quy định về an toàn thì pháo nổ có thể tạo ra sát thương lớn, gây thiệt hại đáng kể cho cả người và tài sản, Vì vậy, việc sản xuất, buôn bán và sử dụng pháo nổ được Nhà nước quy định rất chặt chẽ.

     Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP. hành vi chế tạo, sản xuất và buôn bán pháo nổ trái phép là một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Ngoài ra, theo Điều 6 Luật Đầu tư 2020 thì kinh doanh pháo nổ cũng thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội sản xuất, mua bán pháo nổ

2.1. Khách thể của tội phạm

     Hành vi sản xuất, buôn bán phái nổ xâm phạm đến chế độ quản lý đối với một trong các loại hàng hoá mà Nhà nước cấm lưu thông (kinh doanh) là pháo nổ.

     Đối tượng tác động của tội sản xuất, buôn bán pháo nổ là pháo nổ, một loại hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

     Thứ nhất, dấu hiệu về hành vi của tội phạm

     Tội sản xuất, buôn bán phảo nổ thể hiện qua các hành vi:

  • Hành vi sản xuất pháo nổ: Sản xuất là việc chế tạo, làm ra  pháo nổ dưới dạng các sản phẩm vật chất để đưa vào lưu thông trên thị trường (nhưng thuộc đối tượng bị Nhà nước cấm) thông qua các phương tiện kỹ thuật, công cụ thô sơ… và kết hợp với kỹ thuật hiện đại hoặc phương pháp thủ công đơn giản.

  • Hành vi buôn bán pháo nổ: là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền để trao đổi giữa bên mua và bên bán. Bên bán nhận được một khoản tiền, tài sản hoặc giấy tờ có giá trị khác. Còn bên mua nhận pháo nổ hoặc ngược lại để thu lợi bất chính.

     Thứ hai, dấu hiệu về hậu quả của tội phạm

     Hậu quả của tội sản xuất, buôn bán pháo nổ đó là những thiệt hại gây ra cho trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là trật tự quản lý thị trường sản xuất kinh doanh, gây lũng đoạn thị trường trong nước dẫn đến Nhà nước không kiểm soát được hàng hóa, ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội.

     Những biểu hiện cụ thể hậu quả của tội phạm này rất đa dạng. Nó có thể là số lượng pháo nổ, từ 06 kilogram trở lên; hoặc gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản hay con người…

2.3. Chủ thể của tội phạm

     Chủ thể của tội phạm này chỉ cần là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật.

     Chủ thể của tội này còn là pháp nhân được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập; đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế, cụ thể xâm phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý thị trường.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

     Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, thấy trước được hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm nào được thực hiện do cố ý gián tiếp.

3. Hình phạt đối với tội phạm sản xuất, buôn bán phảo nổ

     Căn cứ theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, tùy theo số lượng pháo nổ được sản xuất, mua bán mà người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý theo các khung hình phạt sau:

     Khung 1: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilogram đến dưới 40 kilogram.

     Khung 2: Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt từ từ 05 năm đến 10 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 kilogram đến dưới 120 kilogram.

     Khung 3: Phạt tù từ 08 năm đến 15 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kilogram trở lên.

     Ngoài ra, người vi pham còn có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

     Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, tương ứng với các mức số lượng pháo nổ nêu trên thì pháp nhân sản xuất, buôn bán pháo nổ có thể bị xử phạt, nhẹ nhất là phạt tiền 1.000.000.000 đồng, nặng nhất là phạt tiền 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, pháp nhân còn cò thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Nếu pháp nhân phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

4. Hỏi đáp về tội sản xuất, buôn bán pháo nổ

Câu hỏi 1: Hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ chưa đủ yếu tố hình sự bị xử lý như thế nào?

     Đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ mà chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính.

     Cụ thể, theo Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, tùy theo số lượng pháo nổ mà hành vi buôn bán pháo nổ có thể bị xử phạt ở các mức sau:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu buôn bán dưới 0,5 kilogram pháo nổ;

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu buôn bán từ 0,5 kilogram đến dưới 01 kilogram pháo nổ;

  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu buôn bán từ 01 kilogram đến dưới 02 kilogram pháo nổ;

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu buôn bán từ 02 kilogram đến dưới 03 kilogram pháo nổ;

  • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu buôn bán từ 03 kilogram đến dưới 04 kilogram pháo nổ;

  • Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nếu buôn bán từ 04 kilogram đến dưới 05 kilogram pháo nổ;

  • Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng nếu buôn bán từ 05 kilogram đến dưới 06 kilogram pháo nổ;

  • Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu buôn bán từ 06 kilogram pháo nổ trở lên.

     Mức xử phạt sẽ là gấp đôi đối với hành vi sản xuất pháo nổ tương ứng với các mức xử phạt nêu trên.

Câu hỏi 2: Người dân sử dụng pháo nổ trái phép bị xử lý như thế nào?

     Về xử phạt hành chính, căn cứ theo điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng pháo, thuốc pháo trái phép có thể bị phạt tiền lên đến 10.000.000 đồng.

     Về mặt hình sự, căn cứ theo  Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 (một số khoản được sửa đổi bởi khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), người dân sử dụng pháo trái phép có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm, cao nhất có thể bị phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Câu hỏi 3: Người dân có thể sử dụng các loại pháo hoa nào?

     Căn cứ theo quy định tại Nghị định 137/2021/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong một số các sự kiện sau:

  • Lễ, Tết

  • Sinh nhật, Cưới hỏi

  • Hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm

  • Trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật

     Người dân chỉ được phép sử dụng các loại pháo hoa sau đây:

  • Pháo hoa không gây ra tiếng nổ

  • Pháo hoa được phân phối, quản lý bởi doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng

     Bài viết liên quan:

     Để được tư vấn chi tiết về các quy định liên quan đến vấn đề "Tội sản xuất, buôn bán pháo nổ", khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]