Tội đua xe trái phép

Thứ 6 , 22/11/2024, 10:38


Những năm gần đây, sự phát triển của nền kinh tế xã hội, hệ thống đường giao thông ngày được mở rộng đi liền với sự phát triển ồ ạt của các loại xe ô tô, xe gắn máy, trong khi đó ý thức tham gia giao thông và nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; một số bộ phận thanh thiếu niên chưa thực sự làm chủ được bản thân, thích cảm giác mạnh, thích thể hiện đã thực hiện đua xe trái phép. Bài viết sau đây sẽ phân tích tới quý độc giả về tội đua xe trái phép theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay.

 1. Đua xe trái phép là gì ?

       Hiện nay, chưa có một định nghĩa trong khái niệm về tội "Đua xe trái phép". Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học luật hình sự Việt Nam, khái niệm tội phạm này có thể mô tả hành vi này là hành vi điều khiển xe tham gia việc đua xe mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Các phương tiện được sử dụng trong hoạt động đua xe trái phép là ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ và gây ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

       Đây là hành vi cấu thành bởi các yếu tố như sử dụng phương tiện chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng; Gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, không có đủ bảo hộ đúng theo quy chuẩn an toàn; không có làn đường riêng để tiến hành đua xe; không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khi tổ chức đua xe. Do đó, hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho chính người điều khiển mà còn ảnh hưởng đối với người tham gia giao thông xung quanh hoặc tài sản gần đó.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội đua xe trái phép

  •  Khách thể của tội phạm:

       Khách thể của tội phạm là trật tự an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng. 

  • Mặt khách quan của tội phạm:

       Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi đua xe. Người đua xe trái phép có thể thực hiện một trong các hành vi như: chuẩn bị, tập kết phương tiện và những điều kiện cần thiết cho cuộc đua, đến nơi tập kết, tập trung đua, điều khiển xe tham gia cuộc đua.

      Hậu quả của tội này là gây mất trật tự an ninh xã hội, an toàn công cộng, gây thương tích hoặc tổn hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, đây là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này. Nếu hậu quả chưa xảy ra, tức là chưa gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì hành vi đua xe trái phép chưa cấu thành tội đua xe trái phép. Tuy nhiên, hành vi đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

  • Chủ thể của tội phạm:

       Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự: cụ thể đối với người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép theo các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 266 Bộ luật Hình sự năm 2015; còn đối với người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội thuộc các khoản 3, 4 Điều 266 của BLHS năm 2015.

  •  Mặt chủ quan của tội phạm:

      Người phạm tội đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

3. Khung hình phạt của tội đua xe trái phép

      Quy định pháp luật xử lý tội đua xe trái phép theo Điều 266 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ xung 2017) về tội đua xe trái phép quy định:

Điều 266. Tội đua xe trái phép

1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

e) Tham gia cá cược;

g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;

h) Tại nơi tập trung đông dân cư;

i) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

       Tội phạm hình sự này chỉ áp dụng với người đua xe có động cơ như xe máy, ô tô và các phương tiện tương tự. Không áp dụng với người đua xe đạp, xích lô, súc vật kéo. Do đó phương tiện được sử dụng khi đua xe trái phép là căn cứ để xác định hành vi, tội phạm được thực hiện. Khi thỏa mãn vi phạm được mô tả trong cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

       Ngoài ra kèm theo hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu thỏa mãn các dấu hiệu vi phạm. Mỗi người cần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật để đảm bảo các quyền lợi của mình cũng như đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội.

4. Hỏi đáp về tội đua xe trái phép

Câu hỏi 1: Cổ vũ đua xe trái phép bị xử lý như thế nào?

      Theo Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định Cổ vũ đua xe cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông.  Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi đua xe trái phép vẫn sẽ bị xử phạt từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng. Hành vi này đang cổ súy cho các vi phạm, làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng và an toàn xã hội.

Câu hỏi 2: Đứng xem đua xe có vi phạm pháp luật không?

     Hành vi đứng xem mà không hò reo, tụ tập cổ vũ thì sẽ không bị xử phạt hành chính với hành vi "cổ cũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép". Người xem mà không phải người đứng ra tổ chức cuộc đua xe đó, cũng không thuộc một trong ba trường hợp còn lại của Đồng phạm (người thực hành, người xúi giục và người giúp sức) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về vấn đề đồng phạm của Tội đua xe trái phép cũng như tội tổ chức đua xe trái phép. 

Bài viết tham khảo:

    Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về "tội đua xe trái phép" quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
      Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên:  Lê Vũ Hải Đăng 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]