Cưỡng chế trong tố tụng hình sự là gì?

Thứ 3 , 29/08/2023, 16:57


Trong tố tụng hình sự, để ngăn việc tội phạm tiếp tục phạm tội, hạn chế hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và bảo đảm thi hành án thì các cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Vậy cưỡng chế trong tố tụng hình sự là gì?

1. Cưỡng chế trong tố tụng hình sự là gì

     Cưỡng chế là biện pháp mang tính bạo lực dựa trên cơ sở pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, bắt buộc cá nhân, tổ chức phải thực hiện, không thực hiện hành vi hoặc phải phục tùng những hạn chế về mặt tài sản hoặc tự do thân thể của cá nhân trong những trường hợp mà pháp luật quy định. Biện pháp cưỡng chế được áp dụng nhằm bảo đảm việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, kỉ luật nhà nước đồng thời vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân, cơ quan tổ chức có liên quan, ngăn việc tiếp tục phạm tội, hạn chế hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và bảo đảm thi hành án.

     Cưỡng chế được chia làm 4 loại, gồm: cưỡng chế hình sự, cưỡng chế dân sự, cưỡng chế hành chính, cưỡng chế kỷ luật. 

2. Các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự

  Các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự như sau:

Điều 126: Các biện pháp cưỡng chế

Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.

     Như vậy, trong tố tụng hình sự các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế là: áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài sản.

2.1 Biện pháp áp giải, dẫn giải

     Căn cứ theo Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

  • Điều kiện áp dụng biện pháp áp giải: áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội
  • Điều kiện áp dụng biện pháp dẫn giải: 

    - Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

    - Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

    - Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan

  • Thẩm quyền áp dụng: Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải.
  • Lưu ý: Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.

2.2 Biện pháp kê biên tài sản

     Căn cứ theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015:

  • Điều kiện áp dụng: chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
  • Thẩm quyền áp dụng: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản.
  • Lưu ý: Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

2.3 Biện pháp phong tỏa tài sản

     Căn cứ theo Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015:

  • Điều kiện áp dụng: Chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội
  • Thẩm quyền áp dụng: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh phong tỏa tài sản.
  • Lưu ý: Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

3. Câu hỏi liên quan đến Cưỡng chế trong tố tụng hình sự

Câu hỏi 1: Biện pháp kê biên tài sản được thực hiện  như thế nào?

     Căn cứ theo Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, biện pháp kê biên tài sản được thực hiện như sau:

      Những người bắt buộc phải có mặt khi kê biên tài sản bao gồm:

  • Bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo;
  • Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên;
  • Người chứng kiến.

      Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản được lập theo quy định, đọc cho những người có mặt nghe và cùng ký tên. Ý kiến, khiếu nại của những người quy định tại điểm a khoản này liên quan đến việc kê biên được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.

      Biên bản kê biên được lập thành bốn bản, trong đó một bản được giao ngay cho người được quy định tại điểm a khoản này sau khi kê biên xong, một bản giao ngay cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản đưa vào hồ sơ vụ án.

Câu hỏi 2: Người có bệnh nặng có bị áp giải hay không?

      Theo quy định tại Khoản 6 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Điều 127: Áp giải, dẫn giải

...

6. Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.

      Như vậy, trong trường hợp người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế thì sẽ không bị áp dụng biện pháp áp giải. 

Câu hỏi 3: Có thể hủy bỏ biện pháp phong tỏa tài khoản hay không?

      Tại Điều 130 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, biện pháp phong tỏa tài khoản bị hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp như sau:

  • Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;
  • Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;
  • Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội;
  • Bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại.
  • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi thấy không còn cần thiết.

     Để được tư vấn về cưỡng chế trong tố tụng hình sự quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Châu Anh

 

 

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com