Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật

Thứ 2 , 18/12/2023, 14:51


     Hàng giả là một vấn nạn của xã hội hiện nay, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế cũng như đời sống xã hội. Bất kỳ đối tượng hàng hóa nào cũng có thể là nạn nhân của hàng giả, trong đó có thể kể đến đó chính là thức ăn chăn nuôi. Vậy Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi được pháp luật quy định như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn liên quan đến vấn đề trên

1. Hàng giả là gì? 

     Hiện nay, pháp luật chưa đưa ra định nghĩa về hàng giả, những có thể hiểu đơn giản hàng giả là những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trái pháp luật, có hình dáng giống như những sản phẩm, hàng hóa được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường hoặc những sản phẩm, hàng hóa không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó; là loại sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu hàng hóa giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm, hàng hóa thật.

     Tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 95/2020/NĐ-CP đã liệt kê ra các loại hàng giả, theo đó bao gồm:

  • Hàng giả giá trị sử dụng, công dụng

  • Thuốc giả, dược liệu giả theo quy định của Luật Dược 2016

  • Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất theo quy định đối với thuộc hoặc không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký

  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa

  • Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả

  Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi là hành vi sản xuất, chế tạo, chế biến và lưu trữ, vận chuyển, mua bán hàng giả mà hàng giả đó là thức ăn chăn nuôi.

2. Cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi

2.1. Khách thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi

     Tội phạm này xâm phạm đến các quy định của nhà nước trong quản lý thị trường, xâm phạm quyền được bảo hộ của người sản xuất, xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân trong sản xuất nông nghiệp.

     Đối tượng tác động của tội phạm này là hàng giả thuộc nhóm thức ăn dùng để chăn nuôi.

2.2. Mặt khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi

     Mặt khách quan của tội phạm bao gồm hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

     Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi thì hành vi tội phạm được xác định bao gồm hành vi sản xuất hàng giả là thức ăn chăn nuôi và hành vi buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi.

     Các hành vi này chỉ cấu thành tội phạm, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

  • Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

     Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

     Như vậy, hậu quả là yếu tố bắt buộc để cấu thành tội phạm này. Trong trường hợp hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi chưa gây hậu quả nghiêm trọng hoặc không mang tính chất tái phạm (không thuộc các trường hợp phạm tội nêu trên) thì không bị xử lý hình sự. 

2.3. Mặt chủ quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi

     Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi được thực hiện do lỗi cố ý (trực tiếp). Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, lường trước được hậu quả xảy ra và muốn hậu quả xảy ra.

     Mục đích phạm tội là nhằm lừa dối người tiêu dùng và thu lợi bất chính với động cơ vụ lợi.

2.4. Chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi

     Chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc chủ thể là pháp nhân thương mại đủ các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của điều 75 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017.

3. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi bị xử lý như thế nào?

     Căn cứ theo Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung bời khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi sẽ bị xử lý tùy theo đối tượng phạm tội là cá nhân hay pháp nhân thương mại.

3.1. Đối với cá nhân phạm tội

     Cá nhân thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi sẽ bị xử lý theo 4 khung hình phạt do pháp luật quy định, tùy theo mức độ nghiêm trọng cùa hành vi.

     Khung 1: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu hành vi thuộc một trong các trường hợp:

  • Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

  • Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

     Khung 2: Phạt tù từ 5 năm đến 10 năm nếu hành vi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:

  • Có tổ chức

  • Có tính chất chuyên nghiệp

  • Tái phạm nguy hiểm

  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn

  • Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

  • Buôn bán qua biên giới

  • Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng

  • Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

     Khung 3: Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm tù nếu thuộc một trong các trường hợp:

  • Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên

  • Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng

  • Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.

     Khung 4: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên

  • Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.

     Ngoài ra, cá nhân phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

3.2. Đối với pháp nhân thương mại pháp tội

     Tương ứng với các hành vi được quy định trong trường hợp chủ thể là cá nhân, nếu chủ thể của tội phạm là cá nhân thì sẽ bị xử lý theo các khung hình phạt sau:

     Khung 1: Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

     Khung 2: Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

     Khung 3: Phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

    Khung 4: Phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm

     Khung 5: Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

     Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

4. Hỏi đáp về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi

Câu hỏi 1: Người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả có bị xử phạt không?

     Do tâm lý "sính ngoại", thích "làm màu" nên một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn cố tình sử dụng. Đây cũng là nguyên nhân khiến công tác chống gian lận thương mại gặp nhiều khó khăn, quyền lợi của chủ sở hữu hợp pháp sản phẩm bị xâm phạm.

     Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay mớichỉ có chế tài xử phạt với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, chứ chưa có quy định về việc xử phạt người tiêu dùng cố ý sử dụng hàng giả.

Câu hỏi 2: Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý như thế nào?

     Theo Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

     Phạt tiền gấp hai lần mức phạt trên, đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Câu hỏi 3: Phân biệt "hàng giả" với "hàng nhái'

     Hai thuật ngữ "hàng giả" và "hàng nhái" thường xuất hiện cũng với nhau, do đó nhiều người có thế nhầm lẫn hàng giả và hàng nhái là một. Tuy nhiên giữa chúng vẫn có sự khác biệt cơ bản sau đây:

  • "Hàng giả" là hàng được thiết kế để trông giống như sản phẩm chính hãng. Nhìn bề ngoài, hàng giả có thể trông gần giống với hàng thật chính gốc, nhưng thường được làm từ vật liệu chất lượng thấp. Hàng giả liên quan đến việc sử dụng trái phép tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu thương hiệu khi sử dụng nhãn hiệu thương mại của chủ sở hữu thương hiệu để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng họ đã mua một sản phẩm chính hãng. 

  • "Hàng nhái" là hàng có thể giống với một sản phẩm có thương hiệu, chính hãng, nhưng nhìn chung sẽ không giống hệt với sản phẩm đó. Hàng nhái không có nhãn hiệu thương mại hoặc logo giống hệt sản phẩm gốc. Ví dụ: hàng nhái có thể có lỗi chính tả trong tên thương hiệu trên sản phẩm và người tiêu dùng có thể biết rằng họ không mua sản phẩm chính hãng.

     Bài viết tham khảo:

     Để được tư vấn chi tiết về các quy định liên quan đến vấn đề "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi", khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com