Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm bị xử lý như thế nào

Thứ 7 , 06/01/2024, 11:30


Bảo hiểm có thể được coi là một lá chắn để bảo vệ chống lại rủi ro, không phải là phương tiện để làm giàu cho người được bảo hiểm. Tuy nhiên, tình trạng gian lận trong kinh doanh bảo hiểm diễn ra ngày một nhiều, và không có dấu hiệu giảm xuống. Vậy theo pháp luật hiện hành, tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn liên quan đến vấn đề trên.

1. Khái niệm kinh doanh bảo hiểm là như thế nào

     Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì "kinh doanh bảo hiểm" được định nghĩa như sau:

Điều 4: Giải thích từ ngữ

2. Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

...

     Như vậy, có thể thấy kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

2. Dấu hiệu pháp lý của Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

2.1. Khách thể của tội phạm

     Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm xâm phạm các quy định của nhà nước về quản lý thị trường bảo hiểm

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

     Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm thực hiện bằng các hành vi sau:

  • Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

  • Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

  • Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

  • Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.

     Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm nếu cá nhân chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc pháp nhân chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại tử 400.000.000 đồng trở lên.

2.3. Chủ thể của tội phạm

     Chủ thể của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là người từ đủ 16 tuổi trở lên  và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

     Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được thực hiện với lỗi cố ý

3. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm bị xử lý như thế nào?

     Căn cứu theo Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015, tùy theo đối đượng phạm tội là cá nhân hay pháp nhân mà pháp luật quy định các khung hình phạt khác nhau đối với hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

3.1. Khung hình phạt đối với cá nhân phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

     Đối với cá nhân khi có hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và bị truy tố trách nhiệm hình sự thì có thể đối mặt với các khung hình phạt sau đây:

     Khung 1: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với một trong các trường hợp:

  • Chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

  • Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

     Khung 2: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với một trong các trường hợp sau đây:

  • Có tổ chức;

  • Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

  • Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

  • Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

  • Tái phạm nguy hiểm.

     Khung 3: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp sau:

  • Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;

  • Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

     Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3.2. Khung hình phạt đối với pháp nhân phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

     Đối với pháp nhân khi có hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và bị truy tố trách nhiệm hình sự thì có thể đối mặt với các khung hình phạt sau đây:

     Khung 1: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp:

  • Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

  • Gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.

     Khung 2: Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp:

  • Có tổ chức;

  • Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

  • Tái phạm nguy hiểm;

  • Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

  • Gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

     Khung 3: Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp:

  • Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 3.000.000.000 đồng trở lên;

  • Gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên.

     Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

4. Hỏi đáp về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

Câu hỏi 1: Hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý như thế nào?

     Đối với hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 98.2013.NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP, hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Câu hỏi 2: Các hình thức trục lợi bảo hiểm xã hội phổ biến là gì?

     Xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, do đó nhu cầu đảm bảo đời sống của người dân cũng ngày càng gia tăng. Vì vậy mà nhu cầu mua bảo hiểm cũng tăng theo, kéo theo đó là nhiều tiêu cực, nhiều hành vi gian lận, trục lợi liên quan đến hoạt động này.

     Dưới đây là một số hình thức gian lận nhằm trục lợi từ hoạt động kinh doanh bao hiểm phổ biến hiện nay:

  • Hợp lý hóa ngày và hiệu lực bảo hiểm (trong bảo hiểm xe cơ giới, tàu thuyền…);

  • Thay đổi tình tiết vụ tai nạn (trong bảo hiểm cháy, xây dựng lắp đặt…);

  • Tạo hiện trường giả (trong bảo hiểm cháy, thiết bị điện tử, bảo hiểm cây trồng vật nuôi…);

  • Khai tăng số tiền tổn thất (phổ biến trong bảo hiểm tài sản và trách nhiệm);

  • Lập hồ sơ khiếu nại nhiều lần (bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển);

  • Khai báo rủi ro không trung thực (trong bảo hiểm cá nhân phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ);

  • Khai giảm tuổi so với tuổi thực trong bảo hiểm nhân thọ để được giảm phí;

  • Cố ý gây tai nạn (trong bảo hiểm tài sản và trách nhiệm);

  • Gian lận đối với người thứ ba (không bồi thường cho người thứ ba, mặc dù đã nhận tiền bảo hiểm, hoặc đã đòi người thứ ba có liên đới bồi thường song không khai báo với doanh nghiệp bảo hiểm…)

  • ...

Câu hỏi 3: Giả tai nạn giao thông nhằm trục lợi bảo hiểm bị xử lý như thế nào?

     Căn cứ theo Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm là một trong các yếu tố để cấu thành tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Vì thế, dựa theo hậu quả là số tiền chiếm đoạt hoặc thiệt hại gây ra mà hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

     Vì vậy, có thể thấy hành vi giả tai nạn giao thông nhằm trục lợi bảo hiểm có thể bị xử lý trách nhiệm hành chính theo quy định tại Nghị định 48/2018/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015. 

     Bài viết liên quan:

     Để được tư vấn chi tiết về các quy định liên quan đến vấn đề "Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm", khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com