Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh là ai?

Thứ 3 , 30/01/2024, 16:28


Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp không phổ biến bằng những loại hình như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,... tại Việt Nam. Thông thường trong công ty hợp danh sẽ được chia ra làm hai thành viên: thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Vậy người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh là ai?

1. Công ty hợp danh là gì?

     Theo Luật doanh nghiệp 2020, khái niệm công ty hợp danh là:

Điều 177. Công ty hợp danh

1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

     Điểm đặc biệt ở công ty hợp danh là công ty này có thể bao gồm cả thành viên góp vốn và thành viên hợp danh, sự khác biệt giữu hai thành viên là mức độ chịu trách nhiệm của họ đối với những nghĩa vụ của công ty.

2. Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh là ai?

     Theo quy định tại Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020 về điều hành kinh doanh của công ty hợp danh như sau:

Điều hành kinh doanh của công ty hợp danh
1. Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.
2. Trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty.
Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số chấp thuận.
Hoạt động do thành viên hợp danh thực hiện ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh của công ty đều không thuộc trách nhiệm của công ty, trừ trường hợp hoạt động đó đã được các thành viên còn lại chấp thuận.
3. Công ty có thể mở một hoặc một số tài khoản tại ngân hàng. Hội đồng thành viên chỉ định thành viên được ủy quyền gửi và rút tiền từ các tài khoản đó.
4. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nghĩa vụ sau đây:
a) Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh;
b) Triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên; ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
c) Phân công, phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh;
d) Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật;
đ) Đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án; đại diện cho công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
e) Nghĩa vụ khác do Điều lệ công ty quy định.

     Như vậy, chiếu theo quy định trong Luật doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật cho công ty hợp danh chính là thành viên hợp danh. 

3. Một thành viên hợp danh có thể làm đại diện theo pháp luật cho nhiều công ty hợp danh không?

     Tại Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định những hạn chế khi trở thành thành viên hợp danh:

  • Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

  • Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

  • Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

     Khi một cá nhân đã trở thành thành viên hợp danh của công ty A, thì họ không được làm thành viên hợp danh của công ty B, tức là không được làm người đại diện theo pháp luật của công ty khác. Tuy nhiên, nếu họ nhận được sự nhất trí từ các thành viên hợp danh trong công ty A, thì việc trở thành thành viên hợp danh của công ty B vẫn được coi là đúng theo quy định của pháp luật.

4. Hỏi đáp về Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh là ai?

Câu hỏi 1. Số lượng tối đa thành viên hợp danh của công ty hợp danh là bao nhiêu?

     Căn cứ theo quy định tại Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020, hiện nay pháp luật không quy định số lượng tối đa thành viên công ty hợp danh, chỉ cần đáp ứng điều kiện là có ít nhất 02 thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty.

Câu hỏi 2. Vì sao công ty hợp danh không được quyền phát hành chứng khoán?

     Sở dĩ pháp luật không cho phép công ty hợp danh được phát hành chứng khoán bởi vì loại hình doanh nghiệp này thường có sự hạn chế về vốn điều lệ, quy mô hoạt động. Mặt khác, giữa các thành viên trong công ty hợp danh có một mối quan hệ thân thiết nhất định. Việc trở thành thành viên công ty hợp danh phải được sự đồng ý của tất cả thành viên cho nên nếu công ty phát hành chứng khoán thì việc mua đi bán lại chứng khoán sẽ bị hạn chế.

Bài viết liên quan:

     Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh là ai?, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
     
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com