Công ty áp dụng trường hợp vì lý do kinh tế khi nào?
Thứ 4 , 16/08/2023, 13:56
1. Công ty áp dụng trường hợp vì lý do kinh tế khi nào?
Khoản 2 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định những trường hợp sau được coi là vì lý do kinh tế:
- Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;
- Thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
Như vậy, trong các trường hợp nêu trên thì công ty được áp dụng vì lý do kinh tế để cho người lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế, khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế là lý do khá khó xảy ra trong tình hình đất nước ta hiện nay. Khủng hoảng kinh tế hoặc suy thoái kinh tế này phải là tình trạng chung của cả nước chứ không phải của mỗi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách pháp luật của nhà nước hoặc các cam kết quốc tế hiện nay có thể nói không phải là lý do chính làm ảnh hưởng đến việc doanh nghiệp phải cho người lao động thôi việc.
2. Nghĩa vụ của công ty khi áp dụng trường hợp vì lý do kinh tế
Khoản 4 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định như sau:
Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Theo khoản 1 Điều 44 Bộ luật lao động 2019, phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
-
Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
-
Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;
-
Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
-
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;
-
Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật này.
Trước khi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động còn phải thực hiện thủ tục trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.
3. Mức trợ cấp mất việc làm thanh toán cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do kinh tế
Theo quy định tại điều 47 Bộ luật lao động 2019: Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.
Như vậy, khi người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do kinh tế cần thanh toán trợ cấp mất việc làm tương ứng với thời gian người lao động làm việc trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
4. Hỏi đáp liên quan đến vấn đề Công ty áp dụng trường hợp vì lý do kinh tế khi nào?
Câu hỏi 1: Cho người lao động nghỉ việc vì lý do kinh tế nhưng không trao đổi ý kiến trước với tổ chức đại diện người lao động thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Cho thôi việc đối với người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo một trong các trường hợp sau: không trao đổi ý kiến trước với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên; không thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người lao động;
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Như vậy, người sử dụng lao động cho thôi việc đối với người lao động vì lý do kinh tế nhưng không trao đổi ý kiến trước với tổ chức đại diện người lao động thì bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 5 - 10 triệu đồng (cá nhân) và từ 10 - 20 triệu đồng (tổ chức).
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề công ty áp dụng trường hợp vì lý do kinh tế khi nào Quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Phương Anh
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]