Quy định của pháp luật về xử lý hình sự người dưới 18 tuổi

Thứ 5 , 24/03/2022, 05:01


     Pháp luật hiện nay quy định như thế nào về việc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi? Dưới đây, Luật Toàn Quốc xin cung cấp những thông tin về xử lý hình sự người dưới 18 tuổi.  

Câu hỏi của bạn:

     Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp như sau: Pháp luật hiện nay quy định như thế nào về việc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội? Tôi xin cảm ơn!

Trả lời của Luật sư:

     Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về xử lý hình sự người dưới 18 tuổi, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Nội dung tư vấn:

1. Đặc trưng của nhóm đối tượng người dưới 18 tuổi

     Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm - sinh lý. Trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống của họ còn hạn chế, luôn có xu hướng muốn tự khẳng đinh, muốn được tôn trọng nhưng lại dễ tự ái, tự ti, hiếu thắng, thiếu kiên nhẫn, dễ bị kích động, bị lôi kéo vào những hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm. Họ dễ bị tổn thương nhưng cũng dễ thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh mới, dễ giáo dục, cải tạo...

     Với đặc điểm tâm lí như vậy thì có thể xác định việc phạm tội của người dưới 18 tuổi có một phần trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, không thể đặt vấn đề trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi phạm tội như trách nhiệm hình sự của người từ đủ 18 tuổi trở lên. Do đó, Bộ luật hình sự năm 2015 có một chương riêng quy định về trách nhiệm hình sự đối với nhóm đối tượng này.

2. Quy định về xử lý hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội

     Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 từ Điều 90 đến Điều 107 như sau:

2.1. Nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi

     Khi xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội, cơ quan có thẩm quyền phải tuân thủ 7 nguyên tắc được quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm:

     Nguyên tắc 1: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

     Nguyên tắc 2: Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục quy định tại Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

  • Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật Hình sự năm 2015.
  • Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật Hình sự năm 2015.
  • Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.

     Nguyên tắc 3: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

     Nguyên tắc 4: Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015 không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

     Nguyên tắc 5: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

     Nguyên tắc 6: Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

     Nguyên tắc 7: Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

2.2. Các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

     Việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi mà không kèm theo bất kì biện pháp giáo dục, phòng ngừa nào sẽ tiềm ẩn nguy cơ tái phạm của nhóm đối tượng này. Bởi vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định 03 biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự, bao gồm:

  • Khiển trách - áp dụng trong hai trường hợp:

     - Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng;

     - Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

  • Hòa giải tại cộng đồng - áp dụng trong hai trường hợp:

     - Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng;

     - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự 2015.

  • Giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm - áp dụng trong hai trường hợp:

     -  Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự 2015.

     - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự 2015.

2.3. Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

     Trường giáo dưỡng là cơ sở giáo dục đặc biệt được Nhà nước thành lập để giáo dục, cải tạo người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác. Nếu xét thấy cần phải có kỉ luật chặt chẽ và cách li họ khỏi môi trường xã hội để giáo dục và cải tạo thành công dân có ích cho xã hội.

     Theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp xét thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

     Nếu người được giáo dục tại trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của trường giáo dưỡng được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, Tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại trường giáo dưỡng.

2.4. Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

   Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 04 hình phạt chính có thể được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

  • Cảnh cáo - áp dung cho tất cả các trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. 
  • Phạt tiền - áp dụng với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng với mức tiền phạt không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.
  • Cải tạo không giam giữ - áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiệm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý. 
  • Tù có thời hạn - áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

     - Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

     - Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

2.5. Quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt, xóa án tích đối vói người dưới 18 tuổi

Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

     Việc quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

  • Đối với chuẩn bị phạm tội

     - Mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội không quá 1/3 mức hình phạt được quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong điều luật được áp dụng.

     - Mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chuẩn bị phạm tội không quá 1/2 mức hình phạt được quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong điều luật được áp dụng.

  • Đối với phạm tội chưa đạt

     - Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá 1/3 mức hình phạt quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

     - Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá 1/2 mức hình phạt quy định tại các Điều 99, 100 và 101 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

     Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên đối với người dưới 18 tuổi thì việc tổng hợp hình phạt được quy định như sau:

  • Trường hợp các tội phạm được thực hiện khi chủ thể đều trên 16 tuổi (nhưng dưới 18 tuổi) hoặc dưới 16 tuổi

     - Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm.

     - Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.

  • Người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi

     - Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá 12 năm.

     - Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá 18 năm.

  • Người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi

     - Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt áp dụng đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 103 Bộ luật Hình sự năm 2015.

     - Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi nặng hơn mức hình phạt áp dụng đối với tội thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội.

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án

     Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này, được thực hiện theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, đối với người dưới 18 tuổi thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 103 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Giảm mức hình phạt đã tuyên

     Xuất phát từ nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, Bộ luật Hình sự quy định điều kiện xét giảm và mức xét giảm có lợi hơn cho người bị kết án so với quy định chung. Theo đó, Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên cho người dưới 18 tuổi như sau:

  • Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.
  • Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
  • Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.

Tha tù trước hạn có điều kiện

     Tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định tại Điều 106 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

Điều 106. Tha tù trước hạn có điều kiện

1. Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 66 của Bộ luật này có thể được tha tù trước hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phạm tội lần đầu;

b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;

c) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù;

d) Có nơi cư trú rõ ràng.

2. Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 66 của Bộ luật này.

     Có thể thấy quy định về điều kiện tha tù trên có lợi hơn cho người dưới 18 tuổi bị kết án so với quy định chung. Ngoài 4 điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 106 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì các quy định chung khác về tha tù trước thời hạn được áp dụng bình thường đối vói người dưới 18 tuổi phạm tội.

Xóa án tích

     Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 03 trường hợp người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích:

  • Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.
  • Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.
  • Người bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

     Ngoài ra, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.     

3. Hỏi đáp về xử lý hình sự người dưới 18 tuổi

Câu hỏi 1: Người dưới 14 tuổi giết người có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

     Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tuổi cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:

a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi)

...

     Theo quy định trên thì người dưới 14 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp hành vi của người dưới 14 tuổi gây ra thiệt hại thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu cho người bị thiệt hại theo pháp luật dân sự.

Câu hỏi 2: Người dưới 18 tuổi có được hưởng án treo không?

     Căn cứ Khoản 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

Điều 2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

     Như vậy, khi người phạm tội thỏa mãn tất cả các điều kiện trên thì sẽ được Tòa án cho phép hưởng án treo. Theo đó, người dưới 18 tuổi bị kết án phạt tù có thể được hưởng án treo nếu đáp ứng được các điều kiện này.

     Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về xử lý hình sự người dưới 18 tuổi. Để được tư vấn và giải đáp chi tiết hơn, quý khách hàng có thể tham khảo thêm các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp dưới đây:

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về xử lý hình sự người dưới 18 tuổi

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về xử lý hình sự người dưới 18 tuổi. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi câu hỏi về xử lý hình sự người dưới 18 tuổi tới địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

   Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.

Chuyên viên: Thu Trang 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com