Thủ tục chỉ định người bào chữa theo luật định

Thứ 6 , 30/06/2023, 21:45


Trong một số trường hợp theo luật định cần chỉ định người bào chữa. Thủ tục chỉ định người bào chữa như thế nào là hợp pháp cũng là một vấn đề pháp lý đáng lưu tâm. Để tránh mọi nhầm lẫn trong quá trình hoàn thiện thủ tục chỉ định người bào chữa, Luật toàn quốc xin gửi đến bạn bài viết giải đáp tường tận về thủ tục này. 

Câu hỏi của bạn:

      Chào Luật sư, tôi mong muốn được giải đáp về thủ tục chỉ định người bào chữa theo quy định của pháp luật hiện nay. Cảm ơn sự tư vấn từ Luật sư!

Câu trả lời của Luật sư: 

      Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Thủ tục chỉ định người bào chữa, chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về vấn đề Thủ tục chỉ định người bào chữa như sau:  

Căn cứ pháp lý: 

  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 
  • Thông tư 46/2019/TT-BCA

1. Trường hợp được chỉ định người bào chữa

     Căn cứ theo Khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021, trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

  • Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
  • Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

     Tuy nhiên, trong các trường hợp được chỉ định trên, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trong đó, người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

2. Thủ tục chỉ định người bào chữa có đơn yêu cầu bào chữa 

2.1. Thủ tục chỉ định người bào chữa đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

      Người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có đơn yêu cầu bào chữa theo quy định tại điều 3, điều 4, Thông tư 46/2019/TT-BCA cần thực hiện theo thủ tục sau đây: 

     Bước 1: Giải thích, thông báo quyền nhờ người bào chữa

     Người bị tạm giam giữ có quyền làm đơn yêu cầu người bào chữa.

     Trường hợp chưa có đơn yêu cầu thì trong lần đầu lấy lời khai, điều tra viên phải hỏi rõ người bị bắt có nhu cầu nhờ người bào chữa hay không và ghi rõ ý kiến vào biên bản. Nếu có yêu cầu thực hiện thủ tục theo các bước được nêu tại mục 2.1, nếu không có yêu cầu thì trong thời hạn 12 giờ sau khi lấy lời khai người bị bắt, người bị tạm giữ, 24 giờ kể từ khi hỏi cung bị can lần đầu, Điều tra viên , Cán bộ điều tra đã lấy lời khai, hỏi cung có trách nhiệm thông báo cho người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

     Bước 2: Thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án

     Điểm a, khoản 1, điều 3, Thông tư quy định về vấn đề này như sau:

  • Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết.

  • Việc chuyển đơn yêu cầu người bào chữa của cơ quan đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam được gửi trực tiếp tại trụ sở cơ quan này hoặc gửi qua đường bưu chính. Nếu gửi trực tiếp tại trụ sở cơ quan đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì phải có ký nhận tại sổ giao nhận công văn, tài liệu.

     Bước 3: Tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu nhờ người bào chữa

  • Chủ thể tiếp nhận: Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam
  • Nơi tiếp nhận: nơi tổ chức trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc nơi trực ban của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.
  • Thủ tục: chủ thể tiếp nhận có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và phải thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam để họ có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.

     Sau khi nhận được thông báo về việc nhờ người bào chữa, nếu người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam đồng ý nhờ người bào chữa thì thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 46/2019/TT-BCA. 

2.2. Thủ tục chỉ định người bào chữa đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

     Bước 1: Lựa chọn người bào chữa

     Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có quyền làm đơn yêu cầu bào chữa. 

     Bước 2: Thông báo cho cơ quan thụ lý vụ án 

     Cơ quan nhận đơn của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. 

     Việc chuyển đơn được thực hiện qua đường bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nếu người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích có nhu cầu nhận trực tiếp tại trụ sở cơ quan này và có ký nhận tại sổ giao nhận công văn, tài liệu.

     Việc chuyển đơn có thể được thực hiện cùng với việc thông báo cho người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trong quá trình thực hiện việc chuyển đơn, nếu người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp bị áp dụng biện pháp tạm giữ thì việc tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa tiếp tục được thực hiện, không phải làm các thủ tục đăng ký đối với người bị tạm giữ.

     Bước 3: Tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu

     Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp tại nơi tổ chức trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc nơi trực ban của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

3. Thủ tục chỉ định người bào chữa không có đơn yêu cầu bào chữa

     Nếu người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa không có đơn yêu cầu người bào chữa thì thực hiện theo quy định tại điều 5, Thông tư như sau:

     Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, người đại diện hoặc người thân thích của những bị can, bị cáo thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa mà không có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa:

  • Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;

  • Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

  • Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

​     Khi nhận được văn bản cử người được quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn không quá 24 giờ, Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm gặp bị can, bị cáo thuộc các trường hợp chỉ định người bào chữa để lấy ý kiến của họ về việc nhờ người bào chữa.

     Việc gặp phải được lập biên bản và ghi rõ ý kiến của bị can, người đại diện hoặc người thân thích về việc có đồng ý hoặc thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp đồng ý chỉ định người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án làm căn cứ để tiến hành thủ tục đăng ký bào chữa.

     Trường hợp thay đổi người bào chữa, nếu bị can, người đại diện hoặc người thân thích nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan của người bào chữa đó để phân công. Nếu không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm gửi đến một trong các cơ quan sau đây để cử lại người:

  • Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;

  • Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý

​     Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đã cử người, người được cử chỉ định. Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất với đối tượng được chỉ định người bào chữa để xác nhận việc từ chối.

Hỏi đáp liên quan về Thủ tục chỉ định người bào chữa 

Câu hỏi 1: Người được bào chữa có phải chi trả chi phí cho luật sư được chỉ định không?

     Căn cứ theo Điều 3 Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP thì cơ quan tố tụng nào yêu cầu luật sư bào chữa thì lập dự toán và trực tiếp chi trả cho luật sư.

     Mức chi phí và các khoản thù lao của luật sư được chỉ định được tính dựa theo Điều 2 Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP, cụ thể như sau:

  • Mức thù lao chi trả cho 01 ngày làm việc của luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Ngày làm việc của luật sư được tính trên cơ sở 08 giờ làm việc.

  • Trong trường hợp, luật sư làm việc trong nhiều ngày, nhưng mỗi ngày  thực hiện không đủ 08 giờ, thì số ngày làm việc của luật sư được tính trên tổng số giờ làm việc thực tế của luật sư. Số giờ làm việc lẻ còn lại (nếu có) được tính như sau:

  • Nếu số giờ làm việc lẻ không đủ 06 giờ thì tính thành ½ ngày làm việc.

  • Nếu số giờ làm việc lẻ từ 06 giờ trở lên thì tính thành 01 ngày làm việc.

     Vậy, người được nhận bào chữa không cần trả phí cho người bào chữa, cơ quan tố tụng trực tiếp chi trả cho Luật sư. 

Câu hỏi 2: Luật sư được chỉ định tham gia bào chữa trong những giai đoạn nào?

     Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định luật sư được chỉ định tham gia bào chữa từ giai đoạn khởi tố bị can đến khi hoàn tất giai đoạn xét xử, bao gồm các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn khởi tố bị can;

  • Giai đoạn điều tra;

  • Giai đoạn truy tố;

  • Giai đoạn xét xử.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về thủ tục chỉ định ngưởi bào chữa

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về Thủ tục chỉ định người bào chữa và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về Thủ tục chỉ định người bào chữa tới địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

Luật toàn quốc xin chân thành cảm ơn.

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com