Pháp luật quy định trường hợp nào được loại trừ trách nhiệm hình sự?

Thứ 6 , 15/11/2024, 08:30


Luật hình sự Việt Nam truy cứu trách nhiệm hình sự với những người đã thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và người đó bị coi là tội phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự. Vậy pháp luật quy định về các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự như thế nào?

Câu hỏi của bạn:

     Thưa Luật sư: Pháp luật có quy định như thế nào về các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự? Mong được Luật sư tư vấn, tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời của Luật sư:

     Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật? Chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

1. Trách nhiệm hình sự là gì?

     Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, hình phạt và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật quy định thông qua việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự.

2. Trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

  2.1. Sự kiện bất ngờ

     Điều 20. Sự kiện bất ngờ

     Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

     Trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó sẽ gây nguy hiểm cho xã hội được gọi là sự kiện bất ngờ. Bản chất của trường hợp này là người thực hiện hành vi không có lỗi do họ không tự chọn thực hiện hành vi gây thiệt hại, họ không thấy trước được tính nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình gây ra, hoàn cảnh khách quan không cho phép họ có thể thấy trước hậu quả của hành vi, họ cũng không có nghĩa vụ phải thấy trước việc gây ra hậu quả đó.

     Do vây, tính có lỗi không được thỏa mãn tại trường hợp sự kiện bất ngờ, việc chủ thể không thấy trước đươc hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình gây ra là do khách quan, khác biệt lớn so với trường hợp lỗi vô ý do cẩu thả.

  2.2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

     Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

     Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất đi khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

     Một người ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi có hai dấu hiệu, thỏa mãn hai điều kiện sau:

  • Mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần 
  • Không có khả năng nhận thức hoặc tuy có khả năng nhận thức nhưng không có năng lực điều khiển hành vi đó 

     Việc xác định người đó có thỏa mãn hai điều kiện trên hay không cần phải có sự tham gia trợ giúp của giám định tâm thần. 

  2.3. Phòng vệ chính đáng

     Tại Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

     Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi có đầy đủ dấu hiệu sau:

  • Nạn nhân phải đang có hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người phòng vệ, Nhà nước, cơ quan, tổ chức.
  • Hành vi phòng vệ chính đáng là cần thiết với hành vi xâm hại, không chênh lệch tính chất và mức độ nguy hiểm giữa hành vi phòng vệ và hành vi xâm hại (nếu không phù hợp giữa 2 yếu tố đó thì hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng, người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm với các tội danh tùy vào từng trường hợp).  
  • Phòng vệ chính đang không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn nhằm chống lại sự xâm hại, tránh gây thiệt hại cho chính người xâm hại.

     Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là trường hợp người phòng vệ đánh giá sai tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm nên đã dùng những phương pháp gây ra thiệt hại quá đáng cho người xâm hại mà hoàn cảnh cụ thể lại chưa đòi hỏi đến phương pháp đó. Việc phòng vệ vượt quá giới hạn sẽ dẫn tới người phòng vệ có thể bị truy cứu theo một trong hai tội sau: Tội giết người do vượt quá giưới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội. Người phòng vệ vượt quá giới hạn phải chịu trách nhiệm hình sự do lỗi vượt quá của mình gây ra. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự của họ được giảm nhẹ hơn so với các trường hợp thông thường.

  2.4. Tình thế cấp thiết

     Điều 23. Tình thế cấp thiết

     1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

     Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

     2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

     Để được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

  • Phải có sự nguy hiểm thực tế đang gây ra hoặc đe dọa những thiệt hại nhất định đến những lợi ích được pháp luật bảo vệ
  • Hành vi gây thiệt hại là biện pháp duy nhất để khắc phục sự nguy hiểm
  • Thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa

     Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là một người vì muốn tránh một nguy cơ thực tế đang đe dọa lợi ích của Nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của bản thân mình mà không còn cách nào khác là gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Tương tự như trường hợp vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng, người có hành vi gây thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên căn cứ Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đây được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

  2.5. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

     Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

     Quy định này đã góp phần khuyến khích tinh thần chủ động đấu tranh, ngặn chặn các hành vi phạm tội. Để được coi là gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội, hành vi bắt giữ cần thỏa mãn điều kiện sau:

  • Hành vi bắt giữ phải thuộc về các chủ thể có thẩm quyền bắt giữ người phạm tội
  • Hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là biện pháp cuối cùng, không còn cách nào khác để bắt giữ người phạm tội
  • Hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải cần thiết

     Đối với trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết cho người bị bắt giữ thì người gây thiệt hại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của luật này.

  2.6. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

     Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm (Khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015). Việc quy định trường hợp này mang ý nghĩa khuyến khích sự sáng tạo cho các nhà khoa học, nhà sản xuất, tạo cơ sở pháp lý an toàn để người dân an tâm tham gia vào các hoạt động sản xất, nghiên cứu khoa học vì lợi ích chung. 

     Điều kiện để rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ được loại trừ trách nhiệm hình sự như sau:

  • Hành vi gây thiệt hại trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ phải nhằm mục đích đem lại lợi ích cho xã hội
  • Lĩnh vực của hành vi gây thiệt hại chỉ giới hạn trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ
  • Người gây thiệt hại đã tuân thủ đúng quy trình, trình tự, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa.

     Tuy nhiên, không được thừa nhận là rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong trường hợp người tiến hành nghiên cứu, sản xuất đã nhìn thấy trước nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đe dọa đến môi trường tự nhiên mà không áp dụng đúng quy trình, trình tự, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa dẫn đến thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thử nghiệm, sản xuất trong các hoạt động nghiên cứu.

  2.7. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

     Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

     Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

     Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.

     Quy định góp phần đảm bảo tuân thủ tuyệt đối, triệt để nguyên tắc "cấp dưới phục tùng cấp trên" đối với mệnh lệnh, chỉ thị hay quyết định trong lực lượng vũ trang nhân dân, đảm bảo tính kỷ luật, sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân. Điều kiện để một hành vi gây thiệt hại khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên là trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự như sau:

  • Mệnh lệnh mà người có hành vi gây thiệt hại thi hành phải là mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên thuộc lực lượng vũ trang nhân dân
  • Mục đích của việc thi hành mệnh lệnh là nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh 
  • Người có hành vi gây thiệt hại đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó
  • Việc thi hành mệnh lệnh này không thuộc trường hợp phạm tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội phạm chống loài người; tội phạm chiến tranh. 

3. Hỏi đáp liên quan đến các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

Câu hỏi 1: Phân biệt sự kiện bất ngờ và lỗi vô ý do cẩu thả?

 

Tiêu chí Sự kiện bất ngờ Lỗi vô ý do cẩu thả
Lỗi

Sự việc xảy ra không phải do lỗi của chủ thể

Sự việc xảy ra do lỗi vô ý của chủ thể
Hậu quả Chủ thể không thể thấy trước hoặc pháp luật không bắt buộc phải thấy trước hậu quả Chủ thể có thể thấy trước hậu quả hoặc có đủ điều kiện để pháp luật buộc phải thấy trước hậu quả
Nguyên nhân gây hậu quả Hoàn cảnh khách quan tác động đến chủ thể Chủ thể cẩu thả khi thực hiện hành vi
Trách nhiệm hình sự Chủ thể được loại trừ trách nhiệm hình sự Chủ thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự

 

Câu hỏi 2: Loại trừ trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự giống và khác nhau như thế nào?

 

Tiêu chí Loại trừ trách nhiệm hình sự Miễn trách nhiệm hình sự
Giống nhau Chủ thể có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự
Căn cứ pháp lý Điều 20 - Điều 26 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
Hành vi Không được coi là hành vi phạm tội Có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đã có tội phạm xảy ra
Bản chất Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị coi là phạm tội, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự Người có hành vi phạm tội nhưng vì có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật nên được miễn trách nhiệm hình sự
Hệ quả Không xuất hiện tội phạm Có xuất hiện tội phạm

 

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

Tư vấn trực tiếp: Nếu bạn sắp xếp được công việc và thời gian bạn có thể đến trực tiếp Công ty Luật Toàn Quốc để được tư vấn về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Lưu ý trước khi đến bạn nên gửi câu hỏi, tài liệu kèm theo và gọi điện đặt lịch hẹn tư vấn trước để Luật Toàn Quốc sắp xếp Luật Sư tư vấn cho bạn, khi đi bạn nhớ mang theo hồ sơ.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Hồng Anh

 

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]