Người vi phạm vắng mặt có lập biên bản vi phạm hành chính được không?

Thứ 3 , 26/11/2024, 10:12


Biên bản vi phạm hành chính là một văn bản quan trọng để xác định hành vi vi phạm hành chính của tổ chức hay cá nhân. Đồng thời, cũng là căn cứ để quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, việc đảm bảo áp dụng đúng quy định pháp luật trong việc xử phạt vi phạm hành chính là điều vô cùng quan trọng. Để có thể tìm hiểu chi tiết hơn về việc “Người vi phạm vắng mặt có lập biên bản vi phạm hành chính được không”, mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Toàn Quốc.  

1. Biên bản vi phạm hành chính là gì?

     Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã có quy định chi tiết về khái niệm “vi phạm hành chính” là gì. Cụ thể:

   “Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

     Theo đó, vi phạm hành chính là cơ sở của việc truy cứu trách nhiệm hành chính. Mà ở đó vi phạm hành chính được xác định là lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm tới các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm. Các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trên sẽi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

     Cụ thể hơn, ngay tại khoản 3, Điều 2 Luật này cũng nêu rõ về thế nào là “xử phạt vi phạm hành chính”. Tại đây, xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt sẽ áp dụng: 

  • Hình thức xử phạt. 

  • Biện pháp khắc phục hậu quả. 

    Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả này sẽ được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

     Qua đó, có thể hiểu “biên bản vi phạm hành chính” chính là một loại văn bản ghi lại về sự kiện của cá nhân, tổ chức khi họ có hành vi vi phạm hành chính. Nội dung biên bản này sẽ bao gồm: thời gian, địa điểm, diễn biến, đối tượng tham gia, trình tự, nội dung, kết quả cuối cùng… Cho thấy, biên bản vi phạm hành chính là nhân tố quan trọng để xác định hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân và là căn cứ để quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính. Cần đảm bảo đúng quy định pháp luật thì mới đảm bảo được việc xử phạt vi phạm hành chính đúng hành vi, đúng hình thức và đối tượng xử phạt.

Người vi phạm vắng mặt có lập biên bản VPHC được không

2. Người vi phạm vắng mặt có lập biên bản vi phạm hành chính được không?

     Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, đối với trường hợp người vi phạm vắng mặt thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn có thể lập biên bản vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính.

     Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 về việc lập biên bản hành chính đã nêu rõ:

   “Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.

2. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

3. Biên bản vi phạm hành chính có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời gian, địa điểm lập biên bản;

b) Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

c) Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm;

d) Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại;

đ) Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

e) Quyền và thời hạn giải trình.

4. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều này.

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

5. Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.

6. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 của Luật này để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.

7. Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.

8. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập đúng nội dung, hình thức, thủ tục theo quy định của Luật này và là căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 63 của Luật này và trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

9. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

     Tại đây, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình thì: 

  • Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính. Trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản đối với trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì vẫn phải lập biên bản.

  • Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

  • Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký. Trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin

     Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có:

  • Chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm.

  • Chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản.

     Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Người vi phạm vắng mặt có lập biên bản VPHC được không? 

3. Biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp người vi phạm vắng mặt gồm có những nội dung gì?

     Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp người vi phạm vắng mặt sẽ bao gồm những nội dung chính như sau:

  • Thời gian, địa điểm lập biên bản.

  • Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

  • Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm.

  • Lời khai của người đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại.

  • Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

  • Quyền và thời hạn giải trình.

   Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có:

  • Chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm.

  • Chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản.

     Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

     Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.

4. Câu hỏi liên quan

Câu 1. Người vi phạm hành chính không viết được hoặc không biết viết thì có phải ký biên bản vi phạm hành chính hay không? 

     Hiện nay, theo khoản 5, Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính đã nêu rõ về việc ký biên bản vi phạm hành chính. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản và phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký (trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Trong trường hợp người vi phạm hành chính không viết được hoặc không biết viết thì họ có thể điểm chỉ hoặc nhờ người đại diện và người chứng kiến của mình cùng ký.     

     Ngoài ra, đối với trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản.

     Còn đối với trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì người lập biên bản cũng sẽ phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Câu 2. Biên bản vi phạm hành chính sẽ được lập trong thời hạn bao lâu?

     Căn cứ khoản 2, Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính như sau:

  • Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.

  • Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.

  • Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc (kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan).

  • Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc (kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga).

  • Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc (kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan).

Bài viết liên quan:

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề “Người vi phạm vắng mặt có lập biên bản Vi phạm hành chính được không?”, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Vũ Phương Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]