Quy định pháp luật về năng lực hành vi dân sự

Thứ 6 , 19/11/2021, 03:45


      Năng lực hành vi dân sự bao gồm năng lực hành vi dân sự của cá nhân và pháp nhân. Mỗi chủ thể có năng lực hành vi dân sự khác nhau và được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015. Dưới đây, Luật Toàn Quốc xin phân tích thêm về năng lực hành vi dân sự của cá nhân và pháp nhân  

Câu hỏi của bạn:

     Chào Luật sư, Tôi rất mong được Luật sư giải đáp về năng lực hành vi dân sự và các vấn đề liên quan đến năng lực hành vi dân sự. Xin cảm ơn luật sư!

Câu trả lời của Luật sư:

     Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về năng lực hành vi dân sự, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự năm 2015

1. Năng lực hành vi dân sự là gì?

     Năng lực hành vi dân sự của chủ thể bao gồm khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền dân sự và thực hiện nghĩa vụ dân sự cụ thể; khả năng tự chịu trách nhiệm bằng tài sản về hành vi của mình, bao gồm cả hành vi hợp pháp và hành vi bất hợp pháp.

     Năng lực hành vi dân sự được xem xét đối với từng chủ thể, bao gồm năng lực hành vi dân sự của cá nhân và năng lực hành vi dân sự của pháp nhân. Trong đó, năng lực hành vi dân sự của pháp nhân có nét riêng biệt so với năng lực hành vi dân sự của cá nhân.

2. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân

2.1. Năng lực hành vi dân sự đầy đủ

      Căn cứ theo điều 18 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

"1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này".

       Như vậy, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2.2. Năng lực hành vi dân sự một phần

     Người có năng lực hành vi dân sự một phần là những người chỉ có thể xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong một giới hạn nhất định do pháp luật dân sự quy định.

      Căn cứ điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định những trường hợp sau thì có năng lực hành vi dân sự một phần:

  • Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
  • Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
  • Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
  • Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý 

2.3. Mất năng lực hành vi dân sự 

        Theo Điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

"1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”.

      Như vậy, một người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan khi bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi. Tuy nhiên, nếu không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

      Bên cạnh đó, giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự sẽ do người đại diện theo pháp luật của họ xác lập, thực hiện..

2.4. Người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi 

        Căn cứ theo điều 23 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

"1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

2. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi".

       Như vậy, một người được coi là có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi khi có quyết định từ Tòa án. Và đồng thời, Tòa án sẽ được chỉ định người giám hộ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi .

2.5. Hạn chế năng lực hành vi dân sự 

       Căn cứ theo điều 24 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

"1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự".

       Như vậy, đối với người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, năng lực hành vi dân sự của họ bị hạn chế thông qua người đại diện.

3. Năng lực hành vi dân sự của pháp nhân

     Trong bộ luật dân sự hiện hành chỉ đưa ra khái niệm về năng lực pháp luật của pháp nhân mà không đưa ra khái niệm năng lực hành vi dân sự của pháp nhân.

     Năng lực hành vi dân sự của pháp nhân khá đặc biệt, bởi pháp nhân là tổ chức, do đó, năng lực hành vi được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân và được “ủy quyền” của pháp nhân. Pháp nhân có thể thực hiện hành vi dân sự thông qua đại diện ủy quyền.

     Thực tế năng lực hành vi dân sự của pháp nhân không được xét đến nhiều và cũng không mang đúng bản chất của năng lực hành vi bởi đã thông qua một chủ thể khác cũng là chủ thể trong quan hệ dân sự là cá nhân, việc tách biệt được quyền và nghĩa vụ của cá nhân và pháp nhân trong chính người đại diện là vấn đề khó khăn và còn có sự lúng túng. Đồng thời, khác với cá nhân năng lực hành vi của pháp nhân không tính theo độ tuổi hay tình trạng sức khỏe, vì vậy năng lực pháp luật và năng lực hành vi của pháp nhân cùng xuất hiện hoặc cùng chấm dứt ở một thời điểm.

4. Hỏi đáp về năng lực hành vi dân sự

Câu hỏi 1: Người bị bệnh tâm thần có được mặc nhiên thừa nhận là mất năng lực hành vi dân sự không?

     Người bị bệnh tâm thần không được mặc nhiên là người bị mất năng lực hành vi dân sự. Chỉ theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người bị bệnh tâm thần là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Như vậy, trong trường hợp này, chỉ khi có quyết định tuyên bố của Tòa án nhân dân có thẩm quyền thì người bị bệnh tâm thần mới được xác định là người mất năng lực hành vi dân sự.

Câu hỏi 2: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có được quyền lập di chúc không?

      Căn cứ theo điều 23 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”.

       Đồng thời, căn cứ theo khoản 2 điều 46 Bộ luật dân sự quy định thêm: "Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu". Như vậy, nếu người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi đáp ứng được yêu cầu minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc thì họ vẫn có quyền lập di chúc.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về tư vấn năng lực hành vi dân sự:

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về xác định năng lực hành vi dân sự và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về các vấn đề năng lực hành vi dân sự về địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Tiến Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com