Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Bộ luật hình sự năm 2015

Thứ 4 , 23/02/2022, 07:07


        Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai được quy định như thế nào? Cấu thành tội phạm? Các khung hình phạt đối với người phạm tội?....là những vấn đề được thường được quan tâm nhất đối với tội này. Dưới đây, Luật Toàn Quốc sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai như sau:

Câu hỏi của bạn:

     Chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu quy định pháp luật về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai nhưng chưa rõ. Rất mong được sự tư vấn và giải đáp của Luật sư. Xin chân thành cảm ơn. 

Câu trả lời của Luật sư:

     Chào bạn, Luật Toàn Quốc xin cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

1. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai được quy định như thế nào tại Bộ Luật hình sự năm 2015

       Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai được quy định tại điều 229 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:

“ Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai

1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);

b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;

c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2);

c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên;

b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

        Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai lần đầu tiên được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 1999. Đến Bộ luật hình sự năm 2015, tội phạm này vẫn tiếp tục được quy định trên cơ sở kế thừa những nội dung hợp lí của Bộ luật hình sự năm 1999. Nhưng so với Bộ luật hình sự năm 1999 thì đến Bộ luật hình sự năm 2015, tội phạm này đã có sự sửa đổi, bổ sung nhằm tạo ra sự phù hợp và nâng cao hiệu quả áp dụng trên thực tế.

2. Yếu tố cấu thành tội phạm của tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai

  2.1. Về chủ thể

        Đây là tội phạm có dấu hiệu chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai phải là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý đất đai.

  2.2. Về khách thể

      Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai xâm phạm tới khách thể là chế độ quản lý nhà nước về đất đai. Đối tượng tác động của tội phạm này là đất đai.

   2.3. Về mặt chủ quan

        Lỗi của người phạm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai được quy định là lỗi cố ý. Điều này có nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm quy định của nhà nước về quản lý đất đai, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Đối với tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, yếu tố động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

  2.4. Về mặt khách quan

        Hành vi được điều luật quy định là hành vi lợi dung hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về quản lý đất đai, thể hiện ở các hành vi cụ thể:

  • Giao đất đai trái pháp luật như giao đất trái thẩm quyền;
  • Thu hồi đất đai trái luật như thu hồi đất đã giao cho người dân thuê, nhưng khi chưa hết thời hạn thuê đã thu hồi mà không tuân thủ quy định của Luật đất đai;
  • Cho thuê đất trái pháp luật như cho người dân thuê đất sử dụng trái mục đích;
  • Cho phép chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật. Ví dụ: cho phép chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đai trái pháp luật;
  • Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Ví dụ:cho phép chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở trái pháp luật.

        Người phạm tội có thể thực hiện một hành vi hoặc nhiều hành vi trong các hành vi kể trên. Các hành vi nói trên chỉ bị coi là tội phạm nếu kèm theo một trong các dấu hiệu sau:

  •  Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòn hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2(a)
  • Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp; (b)
  • Đã bị xử lý kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Mặc dù điều luật không quy định rõ, nhưng trên cơ sở tinh thần của điều luật, có thể hiểu, trong trường hợp này, người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi kể trên như thu hồi đất đai trái pháp luật, cho thuê đất trái pháp luật…với định mức về diện tích đất, giá trị quyền sử dụng đất thấp hơn quy định ở trường hợp (a) hoặc (b) kể trên nhưng lại thõa mãn dấu hiệu đã bị xử lí kỉ luật về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm.

 

3. Hỏi đáp về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai

Câu hỏi 1: Người phạm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai có được đương nhiên xóa án tích không?

Trả lời:

          Căn cứ theo điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“ Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích

1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này”.

        Như vậy, đối với người phạm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn được pháp luật quy định.

Câu hỏi 2: Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai là gì?

Trả lời:

         Căn cứ theo điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 thì có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai như sau:

  • Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
  • Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
  • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
  • Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
  • Người phạm tội là phụ nữ có thai;
  • Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
  • Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
  • Người phạm tội tự thú;
  • Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
  • Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

        Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Để được tư vấn các vấn đề khác chi tiết hơn, quý khách hàng có thể tham khảo các dịch vụ mà Luật Toàn Quốc cung cấp dưới đây:

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, khung hình phạt và các vấn đề khác có liên quan. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi câu hỏi về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai tới địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

   Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.

Chuyên viên: Tiến Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com