Tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật hiện hành

Thứ 3 , 28/02/2023, 10:13


Tội nhận hối lộ là một trong các tội phạm tham nhũng gây ảnh hưởng lớn đến xã hội hiện nay. Vậy Tội nhận hối lộ được quy định theo pháp luật hiện hành như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về Tội nhận hối lộ!

Câu hỏi của bạn:

     Xin chào Luật sư, mong được Luật sư tư vấn về Tội nhận hối lộ và hình thức xử lý theo quy định mới nhất với ạ.Tôi xin chân thành cảm ơn! 

Câu trả lời của luật sư:

       Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về tội nhận hối lộ, chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về vấn đề Tội nhận hối lộ như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Nội dung tư vấn:

1. Tội nhận hối lộ là gì?

     Nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn; lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích dưới bất cứ hình thức nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

     Nhận hối lộ là một trong các tội phạm tham nhũng, có tác động tiêu cực đến xã hội; ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động quản lý nhà nước.

2. Cấu thành tội nhận hối lộ

     Điều 354 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội nhận hối lộ như sau:

Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. 
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

 2.1. Khách thể của tội nhận hối lộ

     Khách thể của tội nhận hối lộ là các hành vi xâm phạm đến hoạt động hoạt động đúng đắn, bình thường, tính chuẩn mực trong công tác của cơ quan Nhà nước, tổ chức.

     Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. 

2.2. Mặt khách quan của tội nhận hối lộ

     Trước hết, hành vi khách quan của tội nhận hối lộ phải là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, sử dụng chức vụ, quyền hạn như một phương tiện thuận lợi để thực hiện tội phạm; ở đây là người có chức vụ, quyền hạn, sử dụng chức vụ quyền hạn mà mình có để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.

     Hành vi nhận hối lộ được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ. 

     Về hậu quả, hậu quả của hành vi nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng hậu quả chưa xảy ra thì hành vi của người phạm tội vẫn cấu thành tội phạm. Hậu quả của tội nhận hối lộ là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

2.3. Mặt chủ quan của tội nhận hối lộ

     Đối với tội nhận hối lộ là lỗi cố ý trực tiếp; người phạm tội nhận thức được hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. 

     Động cơ của tội phạm là vụ lợi cá nhân.

     Mục đích của tội phạm là nhận tiền, nhận tài sản hoặc nhận lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.

2.4. Chủ thể của tội nhận hối lộ

     Người phạm tội phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của Bộ Luật hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên). Ngoài ra, chủ thể của tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp.

3. Khung hình phạt đối với tội nhận hối lộ

     Căn cứ theo Điều 354 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; quy định 4 khung hình phạt:

3.1. Khung 1

     Quy định hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, cụ thể:

  • Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

  • Lợi ích phi vật chất.

3.2. Khung 2

     Quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với tội phạm thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Có tổ chức;
  • Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
  • Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3.3. Khung 3

     Quy định hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm áp dụng đối với tội phạm thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

3.4. Khung 4

Quy định hình phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với tội phạm thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
  • Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.                   

3.5. Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

     Đồng thời, người có chức vụ quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ thì cũng bị xử lý theo quy định như trên.  

4. Hỏi đáp về tội nhận hối lộ

Câu hỏi 1: Hành vi nhận hối lộ bị xử phạt hành chính không?

     Người có hành vi đưa, nhận hối lộ có thể bị xử lý hành chính với các mức như sau:

  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
  • Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

Câu hỏi 2: Lợi ích phi vật chất được hiểu như thế nào?

     Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 03/2020/NQ- HĐTP thì Lợi ích phi vật chất là những lợi ích không phải lợi ích vật chất. Ví dụ như: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục...

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về tội nhận hối lộ

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về tội nhận hối lộ và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về tội nhận hối lộ tới địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn !                                                                                                                                                                                                                    Chuyên viên: Nguyễn Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com