Xử lý tội làm nhục người khác theo quy định mới nhất

Thứ 5 , 07/11/2024, 16:42


     Hành vi làm nhục người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo tội làm nhục người khác được quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

 

Câu hỏi của bạn:

     Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp như sau: tôi và người hàng xóm có xảy ra một chút xích mích, nhưng sau đó người này thường xuyên đăng tải các thông tin với mục đích bôi nhọ danh dự, hạ thấp danh dự, uy tín của tôi. Vậy Luật sư có thể cho tôi biết trong trường hợp này tôi cần làm gì? Người hàng xóm kia có thể bị đi tù vì tội làm nhục người khác không? Tôi xin cảm ơn!

Câu trả lời của Luật sư:

     Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về tội làm nhục người khác, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về tội làm nhục người khác như sau:

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP

1. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân

Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

     Theo đó, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, bất cứ hành vi nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác dù theo hình thức nào đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, có thể là xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi làm nhục người khác

 Tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

....

     Căn cứ quy định nêu trên, với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

3. Xử lý hình sự về tội làm nhục người khác

      Tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội làm nhục người khác như sau:

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3.1 Các yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác

     Cũng như những tội phạm khác, đối với tội làm nhục người khác được xác định bởi bốn yếu tố cấu thành tội phạm đó là: mặt chủ quan, mặt khách quan, mặt chủ thể và mặt khách thể.

3.1.1 Mặt khách quan của tội làm nhục người khác

     Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác dưới các hình thức như dùng lời nói, dùng hành động để làm nhục người khác. Đặc trưng của các hành vi nêu trên thường là diễn ra trực tiếp, công khai và trước nhiều người.

     Lưu ý: Người bị hại phải là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự nhưng thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau nhưng có người thấy nhục hoặc rất nhục nhưng có người lại thấy bình thường. Về phía người phạm tội cũng có nhận thức tương tự, họ cho rằng với hành vi như thế thì người bị làm nhục sẽ nhục hoặc rất nhục nhưng người bị hại lại thấy chưa bị nhục. Nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác mà phải kết hợp với các yếu tố như trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình... Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.

3.1.2 Khách thể của tội làm nhục người khác

     Hành vi của tội phạm làm nhục người khác nêu trên xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác được pháp luật bảo vệ.

3.1.3 Mặt chủ quan của tội làm nhục người khác

     Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau, có thể trả thù chính người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại.

3.1.4 Chủ thể của tội làm nhục người khác

     Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Do đây là tội nghiêm trọng nên người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

3.2 Mức hình phạt đối với tội làm nhục người khác

     Mức hình phạt đối với tội làm nhục người khác được chi thành 3 khung như sau:

Một là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Hai là phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với các trường hợp:

  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Đối với 02 người trở lên;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Đối với người đang thi hành công vụ;
  • Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
  • Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
  • Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

Ba là bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm đối với các trường hợp:

  • Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
  • Làm nạn nhân tự sát.

4. Hỏi đáp về tội làm nhục người khác

Câu hỏi 1: Hình phạt bổ sung đối với tội làm nhục người khác

     Người bị kết án về tội làm nhục người khác, ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Câu hỏi 2: Có thể xin hưởng án treo khi bị kết án về tội làm nhục người khác được không?

     Người bị kết án về tội làm nhục người khác có thể xin hưởng án treo nếu đáp ứng được các điều kiện đó là:

  • Bị xử phạt tù không quá 03 năm;
  • Có nhân thân tốt;
  • Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên;
  • Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục;
  • Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về tội làm nhục người khác:

Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về tội làm nhục người khác như: hướng dẫn xử lý tội làm nhục người khác, xử lý tội làm nhục người khác trên mạng xã hội, tội xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác bị xử lý như thế nào… và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về tội làm nhục người khác và các vấn đề có liên quan về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]