Chủ thể nào có thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự?
Thứ 5 , 14/11/2024, 09:07
Câu hỏi của bạn:
Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp như sau: Theo quy định hiện nay chủ thể nào có thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự? Tôi xin cảm ơn!
Trả lời của Luật sư:
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Nội dung tư vấn:
1. Thu thập chứng cứ được hiểu như thế nào?
Điều 86 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về chứng cứ như sau:
Điều 86. Chứng cứ
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về khái niệm thu thập chứng cứ, nhưng có thể hiểu đơn giản thu thập chứng cứ là việc những người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp để nhằm tìm ra và thu giữ những sự kiện chứng minh hoặc những nguồn chứng cứ theo đúng trình tự, thủ tục luật định, để từ đó khai thác những sự kiện chứng minh, làm sáng tỏ vụ án
2. Chủ thể nào có thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự?
Thu thập chứng cứ có vai trò rất quan trọng trong quá trình chứng minh và làm sáng tỏ vụ án, chính vì vậy pháp luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự.
Căn cứ theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, các chủ thể có thẩm quyền thu thập chứng cứ bao gồm:
Thứ nhất: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm: cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thứ hai: Người bào chữa
Tại Khoản 1 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
Trong đó, người bào chữa được quy định tại Khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có thể là:
- Luật sư;
- Người đại diện của người bị buộc tội;
- Bào chữa viên nhân dân;
- Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý
Tuy nhiên không phải ai thuộc các đối tượng nêu trên đều có thể bào chữa, tại Khoản 4 Điều 72 quy định cụ thể những người không được bào chữa gồm:
- Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
- Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Thứ ba: Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào khác
Các đối tượng này đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
3. Các chủ thể thu thập chứng cứ như thế nào?
Căn cứ theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, các chủ thể có thẩm quyền có thể thu thập chứng cứ bằng các phương thức sau:
Đối với Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
Đối với Người bào chữa: Gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
Đối với những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào khác: Có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất kì cá nhân nào khác cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
4. Hỏi đáp về Thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự.
Câu hỏi 1: Thưa luật sư tôi có câu hỏi như sau: Luật sư có thẩm quyền thu thập chứng cứ trong vụ án không?
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:
Điều 88: Thu thập chứng cứ
2. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
Và Khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:
Điều 72: Người bào chữa
2. Người bào chữa có thể là:
a) Luật sư;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân;
d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý
Theo đó, Luật sư là người bào chữa cho nên có thẩm quyền thu thập chứng cứ.
Câu hỏi 2: Thưa luật sư, chứng cứ được thu thập từ các nguồn nào?
Căn cứ theo Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chứng cứ được thu thập được xác định từ các nguồn sau:
- Vật chứng;
- Lời khai, lời trình bày;
- Dữ liệu điện tử;
- Kết luận giám định, định giá tài sản;
- Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
- Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
- Các tài liệu, đồ vật khác.
Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự
Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự,..Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Tư vấn trực tiếp: Nếu bạn sắp xếp được công việc và thời gian bạn có thể đến trực tiếp Công ty Luật Toàn Quốc để được tư vấn về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự. Lưu ý trước khi đến bạn nên gửi câu hỏi, tài liệu kèm theo và gọi điện đặt lịch hẹn tư vấn trước để Luật Toàn Quốc sắp xếp Luật Sư tư vấn cho bạn, khi đi bạn nhớ mang theo hồ sơ.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Châu Anh
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]