Các hành vi bị cấm trong tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ 2 , 25/11/2024, 15:07


Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu cơ bản của con người và là một trong những quyền của công dân Việt Nam được quy định trong Hiến pháp. Song hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như thế nào là đúng pháp luật, không bị kẻ xấu lợi dụng thì chúng ta cần phải có kiến thức về các hành vi bị cấm trong tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật hiện hành. Hãy cùng Luật Toàn Quốc chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây

1. Tín ngưỡng, tôn giáo được hiểu như thế nào?

     Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: "Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng."

     Theo Khoản 5 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: "Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức."

     Như vậy, tín ngưỡng và tôn giáo đều có một số điểm chung. Một là, những người có tôn giáo và có sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đều tin vào những điều mà tôn giáo đó và các loại hình tín ngưỡng đó truyền dạy dù cho họ chưa được thấy hoặc nghe được những đấng tối cao, đấng linh thiêng mà họ tôn thờ.

     Song tín ngưỡng và tôn giáo cũng có những điểm khác nhau.

  • Một là, nếu tôn giáo phải có đủ 4 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ, thì các loại hình tín ngưỡng dân gian không có 4 yếu tố đó. 
  • Hai là, nếu đối với tín đồ tôn giáo, một người, trong một thời điểm cụ thể, chỉ có thể có một tôn giáo thì một người dân có thể đồng thời sinh hoạt ở nhiều tín ngưỡng khác nhau. 
  • Ba là, nếu các tôn giáo đều có hệ thống kinh điển đầy đủ, đồ sộ thì các loại hình tín ngưỡng chỉ có một số bài văn tế (đối với tín ngưỡng thờ thành hoàng), bài khấn (đối với tín ngưỡng thờ tổ tiên và thờ Mẫu).
  • Bốn là, nếu các tôn giáo đều có các giáo sĩ hành đạo chuyên nghiệp và theo nghề suốt đời, thì trong các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian không có các người hoạt động chuyên môn.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong tín ngưỡng, tôn giáo

     Theo Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, các hành vi bị nghiêm cấm trong tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm: 

  • Hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Hành vi này gây xung đột giữa các tôn giáo, tín ngưỡng khiến các tín đồ có sự tranh giành ảnh hưởng, gây mất an ninh trật tự. 
  • Hành vi ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Hành vi này xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người khác bởi theo Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật".
  • Hành vi xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Hành vi này bị nghiêm cấm vì nó thể hiện sự không tôn trọng với tôn giáo, tin ngưỡng của người khác, mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và đều cần được tôn trọng như nhau.
  • Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bị nghiêm cấm nếu xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã , môi trường; Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Những hoạt động tín ngưỡng tôn giáo này không chỉ không chỉ xâm phạm quyền công dân của một số cá nhân mà còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự toàn xã hội. Đặc biệt, một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nếu mà xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia thì có thể cấu thành một trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII Bộ luật Hình sự 2015
  • Hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. Hành vi này bị nghiêm cấm do nhiều thế lực xấu lợi dụng những tín đồ nhẹ dạ, cả tin nhằm thu lợi bất chính, gây mất an ninh trật tự xã hội. Những hành vi lừa đảo này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

​3. Việc xử lý đối với việc thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong tín ngưỡng, tôn giáo 

     Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì các chủ thể thực hiện hành vi bị cấm trong tín ngưỡng, tôn giáo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm. Sau đây là một số hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và hình thức xử phạt áp dụng.

     Về xử phạt hành chính, căn cứ Điều 64 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 quy định về xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như sau:

  • Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
  • Căn cứ quy định của Luật này và Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

     Song tính đến thời điểm hiện tại, chưa có văn bản nào quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo.

     Về xử lý hình sự, theo Điều 164 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác:

  •  Nếu người nào có hành vi dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỉ luật mà vẫn tái phạm thì sẽ  bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
  • Và theo Khoản 2 Điều này, nếu phạm tội thuộc các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; dẫn đến biểu tình hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Chuyên mục hỏi đáp 

Câu hỏi 1: Tại sao cần xử lý nghiêm mê tín dị đoan?

     Khác với tín ngưỡng, tôn giáo mang lại nhiều giá trị tích cực thì mê tín dị đoan bị coi là tệ nạn xã hội và dễ trở thành công cụ để các thế lực xấu dẫn dụ, lôi kéo nạn nhân nhẹ dạ cả tin. Về tác hại của mê tín dị đoan, hủ tục đối với đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, là gây cản trở sản xuất, làm cho con người thiếu tự tin vào bản thân mình, lệ thuộc vào thần, thánh, trời, Phật, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, cản trở xây dựng đời sống mới. Người nói, các tệ nạn “rước xách linh đình, đồng bóng, bói toán, v.v. thật là lãng phí, thiếu tiết kiệm, ảnh hưởng không tốt đến tăng gia sản xuất, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục”. Mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu không chỉ làm “hại vệ sinh, hại sức khỏe”, lãng phí thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến sản xuất và nguy hiểm là làm suy giảm niềm tin vào chính lực lượng, sức mạnh của nhân dân. Mặt khác, tình trạng này cũng tạo điều kiện cho những kẻ xấu lợi dụng kiếm tiền, trục lợi. Do đó, cần xử lý nghiêm mê tín dị đoan để bài trừ ra khỏi xã hội.

Câu hỏi 2: Việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ được quy định như thế nào?

     Về việc xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thì tại Điều 65 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có quy định như sau: 

     Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

     Các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức bao gồm:

  •  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
  •  Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo;
  •  Vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

​     Bài viết cùng chuyên mục:

     Để biết thêm những thông tin cần thiết về các hành vi bị cấm trong tín ngưỡng tôn giáo quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất! Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn! 

     Chuyên viên: Lê Hữu Phước

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]