Xử lý hành vi mê tín dị đoan theo pháp luật hiện hành

Thứ 3 , 11/06/2024, 05:24


Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu cơ bản của con người và là một trong những quyền của công dân Việt Nam được quy định trong Hiến pháp. Song có hành vi vượt quá hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trở thành hành vi mê tín dị đoan thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vậy việc xử lý hành vi mê tín dị đoan theo pháp luật hiện hành được quy định như thế nào hãy cùng Luật Toàn Quốc chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.

1. Hành vi mê tín dị đoạn là gì?

     Hành vi mê tín dị đoan là những hành vi quá tin tưởng, quá mù quáng vào những thế lực tâm linh, đi ngược lại với quy luật tự nhiên, không có căn cứ khoa hoc, là một hành vi không chỉ làm mất đi những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo mà gây những tác động tiêu cực về sức khỏe, tiền bạc của cá nhân cũng như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

     Tại Việt Nam, hành vi mê tín dị đoan tồn tại dưới 1 số hình thức sau: 

  • Các hình thức cúng bái như dâng sao giải hạn, cúng cô hồn,...
  • Các hình thức bói toán như bói chỉ tay, bói trầu cau, bói tử vi, tướng số,...
  • Các hình thức chữa bệnh phản khoa học như trục vong, trừ tà,...
  • Các hình thức kiêng kị như kiêng ăn trứng vào mùng 1, kiêng tặng mực đầu năm,...

2. Tại sao cần xử lý nghiêm hành vi mê tín dị đoan?

     Như đề cập tại mục 1, hành vi mê tín dị đoan tồn tại dưới nhiều loại hình thưc. Tốn kém nhất phải kể đến đó là việc cúng tế cầu tài lộc, dâng sao giải hạn, việc chữa bệnh bằng cúng bái qua các thầy mo. Nhưng hành vi như vậy không chỉ gây áp lực tài chính lên những người quá mù quáng, cả tin vào tâm linh mà còn gây ô nhiễm môi trường, tổn hại đến chính sức khỏe thể xác và tinh thần của người tham gia cúng bái phản khoa học. Có nhiều vụ đau lòng đã xảy ra khi có bệnh nặng mà không chữa trị ở các cơ sở y tế hay sự cấm cản của ba mẹ đối với tình yêu lứa đôi chỉ vì tin vào mê tín dị đoan gây ra những vụ thương tâm hay tin vào bùa phép mà mâu thuẫn, hiềm khích, thù hằn dẫn đến chém giết nhau vì quan niệm đó. Khi có niềm tin vào những điều hoang đường một cách mù quáng thì sẽ bất chấp mọi lời khuyên ngăn của người thân, bạn bè và chỉ tập trung vào việc đi lễ bái tứ phương mà bỏ bê  tất cả các vấn đề khác.

     Bên cạnh đó, những người mê tín dị đoan còn lôi kéo bạn bè, người thân, những người xung quanh tham gia vào những hoạt động mê tín của mình ảnh hưởng tới trật tự xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Khác với tín ngưỡng, tôn giáo mang lại nhiều giá trị tích cực thì mê tín dị đoan bị coi là tệ nạn xã hội và dễ trở thành công cụ để các thế lực xấu dẫn dụ, lôi kéo nạn nhân nhẹ dạ cả tin. Mê tín dị đoan – và thường kết hợp với nó là những hủ tục  gây nên những tác hại rất lớn trên mọi lĩnh vực của xã hội, từ tư tưởng, chính trị, đạo đức đến kinh tế, đời sống. Do đó, cần xử lý nghiêm mê tín dị đoan để bài trừ ra khỏi xã hội.

3. Hành vi mê tín dị đoan bị xử lý như thế nào theo pháp luật hiện hành?

     Hành vi mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm, bài trừ. Hiện nay, theo pháp luật hiện hành, tùy vào trường hợp cũng như mức độ, hậu quả gây ra, những người có các hành vi mê tín dị đoan hoặc tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

  • Thứ nhất, đối với các trường hợp bị xử phạt hành chính:

     Theo Điểm đ, Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với hoạt động mê tín dị đoan như sau:

     Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

     Người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi nêu trên.

  • Thứ hai, đối với các trường hợp bị xử lý hình sự

     Bên cạnh đó, hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Và cần chú ý xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả tác hại xảy ra.

     Theo Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:

"1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

  • a) Làm chết người;
  • b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
  • c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

     Như vậy, nếu hành vi mê tín dị đoan qua việc hành nghề mê tín dị đoan gây ra hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà vẫn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự." 

4. Chuyên mục hỏi đáp 

Câu hỏi 1: Việc thờ cúng ông bà tổ tiên có bị coi là mê tín dị đoan không?

     Đối với người Việt, phong tục thờ trở thành một thứ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nhiều người Việt Nam, ngoài tôn giáo của mình thường thờ cúng cả tổ tiên. Đại đa số các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Ít nhất là có treo di ảnh một cách trang trọng, nhưng không phải là một tôn giáo mà là do lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và gần như không thể thiếu trong phong tục Việt Nam. Tín ngưỡng này không chỉ lâu đời mà còn thể hiện truyền thống hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, vừa là thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, thể hiện sự biết ơn của đời sau với ông bà. Do đó, việc thờ cúng ông bà tổ tiên không bị coi là mê tín dị đoan và không phải hành vi bị pháp luật cấm và bài trừ trong xã hội.

Câu hỏi 2: Hành vi lợi dụng mê tín dị đoan để lừa tiền người khác bị xử lý như thế nào?

     Hành vi lợi dụng mê tín dị đoan để lừa tiền người khác tùy vào mức độ, tính chất, hậu quả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự 

     Đối với trường hợp xử phạt hành chính, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

      Cụ thể theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

     Ngoài ra, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể như sau:

  • Hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm

     Đối với trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi lợi dụng mê tín dị đoan để lừa tiền người khác mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà vẫn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp này là tù chung thân.

​     Bài viết cùng chuyên mục:

     Để biết thêm những thông tin cần thiết về các hành vi bị cấm trong tín ngưỡng tôn giáo quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất! Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn! 

     Chuyên viên: Lê Hữu Phước

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com