Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới nhất

Thứ 5 , 07/11/2024, 16:42


     Doanh nghiệp là thành phần quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, thành lập doanh nghiệp là bước đầu tiên  cho việc khởi sự kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết về hồ sơ trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;
  • Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài
  • Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

1. Những lưu ý khi thành lập doanh nghiệp

1.1. Đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp

      Theo Điều 17 luật doanh nghiệp 2020, Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ những trường hợp sau:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật doanh nghiệp, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
  • Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
  • Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

     Theo đó, các đối tượng trên không có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh trừ trường hợp sau đây:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

      Như vậy, trước khi thành lập doanh nghiệp bạn cần lưu ý mình thuộc đối tượng nào để có quyết định phù hợp.

1.2. Trụ sở chính của doanh nghiệp

      Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). 

     Lưu ý: Trụ sở chính của doanh nghiệp không được đặt tại căn hộ chung cư (để ở) hoặc nhà tập thể. 

1.3. Cách đặt tên doanh nghiệp

      Điều 37 luật doanh nghiệp 2020 quy định về tên doanh nghiệp như sau:

Điều 37. Tên doanh nghiệp

1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp;

b) Tên riêng.

2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

5. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các điều 38, 39 và 41 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.

     Những hành vi cấm khi đặt tên doanh nghiệp:

  • Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật doanh nghiệp;
  • Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;
  • Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

     Lưu ý:

      Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đăng ký tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

      Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Để tránh tên doanh nghiệp bị trùng, nhầm và vi phạm quy định về đặt tên doanh nghiệp, ý kiến Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng. Trường hợp không đồng ý với quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. 

2. Thủ tục thành lập doanh nghiệp

     Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp được quy định tại luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

2.1. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp

- Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân;
  • Giấy ủy quyền và Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân của người được ủy quyền (nếu có)

- Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp danh

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên.
  • Giấy ủy quyền (nếu có)
  • Bản sao các giấy tờ sau đây:

      + Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

      + Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
  • Giấy ủy quyền (nếu có)
  • Bản sao các giấy tờ sau đây:

       + Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

       + Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

      + Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Bản sao các giấy tờ sau đây:

      + Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

      + Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

      + Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2.2. Hướng dẫn quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp

     Để thành lập doanh nghiệp cần trải qua các bước sau:

     Bước 1: Chuẩn bị thông tin đăng ký doanh nghiệp

    Trước khi tiến hành soạn thảo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cần tổng hợp các thông tin như: Tên doanh nghiệp (Tên doanh nghiệp bằng tiếng Việt, tên doanh nghiệp bằng tiếng Anh, tên doanh nghiệp viết tắt nếu có); Địa chỉ trụ sở chính; Số điện thoại/email; Ngành, nghề kinh doanh; thông tin cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, thành viên đối với công ty TNHH, công ty hợp danh; Thông tin người đại diện theo pháp luật; Thông tin về vốn....

      Bước 2: Soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

     Sau khi có đủ thông tin cần thiết, người thực hiện thủ tục tiến hành soạn thảo và chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm những giấy tờ theo quy định

      Bước 3: Tiến hành ký và hoàn thiện hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

    Sau khi soạn thảo xong hồ sơ, chủ sở hữu công ty, các cổ đông, thành viên sáng lập, người đại diện theo pháp luật ký tên vào hồ sơ phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.

     Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh thông qua hệ thống Cổng Thông Tin Quốc Gia về đăng ký doanh nghiệp. Bao gồm các bước sau:

  • Đăng nhập cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng tài khoản đăng ký kinh doanh
  • Tạo hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp theo từng đề mục của mà hệ thống yêu cầu
  • Scan hồ sơ đã soạn và tải file đính kèm
  • Ký xác thực hồ sơ, thanh toán lệ phí đăng ký online và nộp hồ sơ vào phòng đăng ký kinh doanh
  • Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký qua mạng, hệ thống sẽ gởi email thông báo về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký. 

       Bước 5: Nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp

      Sau khi có thông báo hồ sơ hợp lệ, người thực hiện thủ tục tiến hành in thông báo chấp thuận được gửi từ cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, cùng giấy ủy quyền (nếu có) sau đó liên hệ phòng đăng ký doanh nghiệp để nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

      >>>Xem thêm: Dịch vụ thành lập doanh nghiệp trọn gói tại Hà Nội

3. Thủ tục sau khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp

    Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty cần phải đặc biệt chú ý tới các công việc cần làm sau khi thành lập công ty mới, cụ thể như sau:

  • Tiến hành khắc dấu doanh nghiệp và ban hành quyết định sử dụng mẫu con dấu 
  • Làm biển hiệu công ty gắn tại trụ sở làm việc
  • Mở tài khoản ngân hàng
  • Đăng ký sử dụng chữ ký số
  • Khởi tạo và phát hành hóa đơn điện tử
  • Đăng ký nộp thuế điện tử
  • Nộp tờ khai và lệ phí môn bài...

      Ngoài ra, để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho quá trình hoạt động sau nay, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống văn bản quản trị nội bộ, tuyển dụng lao động, xây dựng nội quy lao động...

     >>>Xem thêm:

4. Hỏi đáp về thủ tục thành lập doanh nghiệp

Câu hỏi 1: Những loại thuế doanh nghiệp phải đóng trong quá trình hoạt động?

     Về cơ bản, nghĩa vụ thuế của một công ty sau khi được cấp phép hoạt động gồm các loại thuế sau:

    - Thuế thu nhập doanh nghiệp

     Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế đánh vào phần thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh và phần thu nhập khác của doanh nghiệp. Thu nhập khác thường là phần thu nhập từ việc chuyển nhượng tài sản và các quyền tài sản.

    - Thuế giá trị gia tăng

     Thuế giá trị gia tăng là loại thuế đánh vào phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ trong suốt quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối. Tuy nhiên, không phải tất cả các hàng hóa, dịch vụ đều là đối tượng chịu thuế.

     - Thuế tiêu thụ đặc biệt

     Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ xa xỉ, không cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, hoặc các lĩnh vực mà Nhà Nước muốn hạn chế. Doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải đóng loại thuế này theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như: Thuốc lá, rượu, bia, xe ô tô dưới 24 chỗ…

     - Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

     Doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phải chịu loại thuế này.

     - Thuế tài nguyên

     Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động khai thác tài nguyên như khai thác khoáng sản kim loại, không kim loại, dầu thô…phải nộp thuế tài nguyên. 

     - Thuế bảo vệ môi trường

     Theo Luật thuế bảo vệ môi trường, doanh nghiệp kinh doanh 17 loại hàng hoá chịu thuế như một số loại xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; túi ni lông; thuốc diệt cỏ; thuốc trừ mối; thuốc bảo quản lâm sản; thuốc khử trung kho...

     - Lệ phí môn bài (trước đây gọi là thuế môn bài)

     Lệ phí môn bài là loại phí được thu hằng năm đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Mức lệ phí môn bài áp dụng với doanh nghiệp theo 2 mức như sau:

  • Vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng: Lệ phí môn bài 3.000.000 đồng/năm
  • Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: Lệ phí môn bài 2.000.000 đồng/năm

Câu hỏi 2: Công ty có bao nhiêu người đại diện?

      Về cơ bản, doanh nghiệp có 01 người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, đối với loại hình công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện được quy định tại Điều lệ công ty.

Câu hỏi 3: Công ty có được miễn thuế môn bài năm đầu thành lập không?

     Theo điểm c, khoản 1, Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP, từ ngày 25/02/2020, có thêm 03 trường hợp được miễn thuế môn bài, cụ thể:

      - Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:

  • Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
  • Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.

      - Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về thủ tục thành lập doanh nghiệp:

Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về thủ tục thành lập doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!  

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]