Hướng dẫn thủ tục thành lập hợp tác xã

Chủ nhật , 17/10/2021, 07:38


     Phong trào kinh tế hợp tác được hình thành và phát triển từ năm 1945 thể hiện ở mô hình kinh doanh hợp tác xã. Luật HTX đầu tiên ra đời, có hiệu lực từ năm 1997, đến nay hành lang pháp lý cho hợp tác xã đã thuận lợi hơn. Vậy trình tự thủ tục thành lập hợp tác xã được quy định như thế nào? Bài viết này của luật Toàn Quốc sẽ hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

1. Điều kiện đăng ký thành lập hợp tác xã

     Theo điều 24 luật Hợp tác xã 2012, Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm;
  • Có đủ Hồ sơ đăng ký hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này;
  • Tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được đặt theo quy định tại Điều 22 của Luật này;
  • Có trụ sở chính theo quy định: Trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là địa điểm giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

     Dưới đây là những lưu ý và quy trình, thủ tục thành lập hợp tác xã theo quy định mới nhất.

2. Những lưu ý khi thành lập hợp tác xã

2.1. Tên và biểu tượng của hợp tác xã

      Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quyết định tên, biểu tượng của mình nhưng không trái với quy định của pháp luật, phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được bảo hộ theo quy định của pháp luật, cụ thể:

  • Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được viết bằng tiếng Việt hoặc ký tự La - tinh trừ ký tự đặc biệt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu và được bắt đầu bằng cụm từ “hợp tác xã” hoặc “liên hiệp hợp tác xã” sau đó là tên riêng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh hay ký hiệu phụ trợ khác để cấu thành tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
  • Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát hành.

    Những điều cấm khi đặt tên hợp tác xã:

  • Đặt tên đầy đủ, tên viết tắt, tên bằng tiếng nước ngoài của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên đầy đủ hoặc tên viết tắt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác đã đăng ký trong phạm vi cả nước.
  • Đặt tên đầy đủ, tên viết tắt, tên bằng tiếng nước ngoài xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân khác theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.
  • Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
  • Sử dụng tên danh nhân, từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

      Tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được bảo hộ trong phạm vi toàn quốc kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; biểu tượng của hợp tác xã, liên hiệp của hợp tác xã phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hợp tác xã có thể đăng ký thêm tên viết bằng tiếng nước ngoài vầ tên viết tắt.

2.2. Sáng lập viên của hợp tác xã

  • Sáng lập viên hợp tác xã là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện cam kết sáng lập, tham gia thành lập hợp tác xã.
  • Sáng lập viên liên hiệp hợp tác xã là hợp tác xã tự nguyện cam kết sáng lập, tham gia thành lập liên hiệp hợp tác xã.
  • Sáng lập viên vận động, tuyên truyền thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự thảo điều lệ; thực hiện các công việc để tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

2.3. Điều kiện để làm thành viên hợp tác xã

      Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam. Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;
  • Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
  • Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;
  • Góp vốn theo quy định của luật và điều lệ hợp tác xã;
  • Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

3. Thủ tục thành lập hợp tác xã

     Căn cứ theo luật hợp tác xã 2012 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định về thủ tục thành lập hợp tác xã như sau:

3.1. Hồ sơ thành lập hợp tác xã

  • Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  • Điều lệ hợp tác xã;
  • Phương án sản xuất, kinh doanh;
  • Danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên; danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
  • Nghị quyết hội nghị thành lập;
  • Giấy ủy quyền (nếu có).

3.2. Quy trình thành lập hợp tác xã

     Bước 1: Người đại điện hợp pháp của hợp tác xã, người được ủy quyền thực hiện thủ tục phải kê khai đầy đủ, trung thực và chính xác các nội dung theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã kê khai.

     Bước 2: Sau khi đã kê khai, ký đầy đủ hồ sơ người thực hiện thủ tục tiến hành nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện nơi hợp tác xã dự định đặt trụ sở.

    Bước 3: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3.3. Thẩm quyền thành lập hợp tác xã

     Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, cơ quan đăng ký hợp tác xã là phòng tài chính - kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện nơi hợp tác xã đặt trụ sở.

     >>>Xem thêm: Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới nhất

4. Những ưu đãi khi thành lập hợp tác xã

     Căn cứ điều 6 luật hợp tác xã 2012, khi thành lập hợp tác xã sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như:

  • Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;
  • Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
  • Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới;
  • Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã;
  • Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội;
  • Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế;
  • Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
  • Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi sau đây: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai; Ưu đãi về tín dụng; Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; Chế biến sản phẩm.

      Chính phủ quy định chi tiết về những nội dung trên căn cứ vào lĩnh vực, địa bàn, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ của đất nước và trình độ phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

 

5. Câu hỏi thường gặp về thủ tục thành lập hợp tác xã

Câu hỏi 1: Hợp tác xã có được sử dụng con dấu không?

     Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. Do đó, hợp tác xã là một tổ chức pháp nhân độc lập, có con dấu và được lập tài khoản riêng để hoạt động.

Câu hỏi 2: Thủ tục thành lập liên hiệp hợp tác xã được thực hiện như thế nào?

     Hồ sơ thành lập liên hiệp hợp tác xã cũng bao gồm những văn bản, tài liệu như khi đăng ký thành lập hợp tác xã. Tuy nhiên, Liên hiệp hợp tác xã sẽ được đăng ký tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch và đầu tư nơi liên hiệp hợp tác xã đặt trụ sở.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về thủ tục thành lập hợp tác xã:

Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về thủ tục thành lập hợp tác xã và các vấn đề có liên quan về địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!  

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com