Theo quy định có giấy tái khám có cần xin giấy chuyển viện không?

Thứ 4 , 13/09/2023, 16:01


Tái khám, chuyển tuyến là gì? Có giấy tái khám có cần xin giấy chuyển viện không? Thời hạn và số lần sử dụng giấy tái khám thế nào? Tất cả sẽ được Luật Toàn Quốc tư vấn ngay sau đây.  

1. Tái khám, chuyển tuyến là gì?

     Tái khám được hiểu là bệnh nhân đến khám lại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo giấy hẹn của bác sĩ điều trị. Việc tái khám nhằm mục đích giúp các bác sĩ theo dõi tình trạng của bệnh nhân ( có dấu hiệu phục hồi hay chuyển biến nặng,…) từ đó phát hiện kịp thời các biến chứng và có phương án xử lý thích hợp.

     Hiện nay, pháp luật không có quy định về chuyển tuyến khám chữa bệnh là gì, tuy nhiên có thể hiểu cơ bản, chuyển tuyến khám chữa bệnh là bệnh nhân do một số lý do như chuyển nặng,… được chuyển từ cơ sở khám chữa bệnh này sang cơ sở khám bệnh khác theo chỉ định về chuyên môn, kỹ thuật hay theo nguyện vọng của người bệnh. 

     Hiện nay, căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2014/TT-BYT quy định các hình thức chuyển tuyến như sau: 

  • Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên:

  • Chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới.

  • Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến.

2. Có cần xin giấy chuyển viện khi có giấy tái khám không?

     Điều 28 Luật bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bổ sung 2014 có quy định:

…Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

     Khoản 5, Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:

Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.

Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

     Đối chiếu các quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy, khi có giấy hẹn khám lại không cần xin chuyển tuyến. Trường hợp bạn có giấy hẹn tái khám của bác sĩ thì khi đi khám lại không cần xin giấy chuyển viện nữa nhưng lưu ý mang các giấy tờ sau:

  • Giấy hẹn khám lại

  • Thẻ bảo hiểm y tế

  • Giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD)

     Ngoài ra, bạn nên mang theo sổ theo dõi khám chữa bệnh hoặc hồ sơ bệnh án trước đó để bác sĩ thuận tiện hơn trong việc thăm khám.

3. Giấy hẹn khám lại có thời hạn sử dụng trong bao lâu và được sử dụng bao nhiêu lần?

     Căn cứ theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về mẫu giấy hẹn khám lại như sau:

     Theo đó, mẫu giấy hẹn theo quy định pháp luật nêu trên có nêu rõ:

     “Hẹn khám lại vào giờ … ngày …. tháng …. năm ……… , hoặc đến bất kỳ thời gian nào trước ngày hẹn khám lại nếu có dấu hiệu (triệu chứng) bất thường. Giấy hẹn khám lại chỉ có giá trị sử dụng 01 lần trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hẹn khám lại.”

     Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng 1 lần theo thời gian ghi trong Giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

     Nếu quá 10 ngày mà không đi khám lại, giấy hẹn sẽ hết hiệu lực. Và muốn hưởng bảo hiểm y tế theo mức đúng tuyến phải xin giấy chuyển từ tuyến dưới để được khám ở bệnh viện tuyến trên.

4. Hỏi đáp về có giấy tái khám có cần xin giấy chuyển viện không

Câu hỏi 1. Quên giấy hẹn tái khám thì có được giải quyết khám lại hay không?

     Căn cứ Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:

…phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.

Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này….

     Như vậy, trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hiện tại, không có quy định về việc giải quyết trường hợp khám lại mà không mang theo giấy hẹn khám lại. Theo đó, tốt nhất bạn cần mang theo giấy hẹn theo yêu cầu khi đi khám bảo hiểm y tế.

Câu hỏi 2. Đi khám lại sau ngày hẹn có được có thanh toán chi phí?

    Giấy hẹn tái khám có giá trị 10 ngày làm việc kể từ ngày hẹn khám lại. Nếu quá 10 ngày mà người bệnh không đi khám lại, giấy hẹn sẽ hết hiệu lực. Và muốn hưởng BHYT theo mức đúng tuyến, người bệnh phải xin giấy chuyển tuyến dưới để được khám ở bệnh viện tuyến trên.

     Do đó, người bệnh nên sắp xếp đi tái khám vào bất kỳ ngày nào trong 10 ngày làm việc kể từ ngày hẹn khám lại để được thanh toán chi phí theo mức hưởng BHYT cao nhất mà mình có thể được hưởng.

Bài viết liên quan

     Nếu còn băn khoăn về vấn đề có giấy tái khám có cần xin giấy chuyển viện không, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được các luật sư của chúng tôi hỗ trợ hiệu quả nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Tiến Đạt

 
Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com