Biện pháp cấm chuyển dịch tài sản khi đang tranh chấp được quy định như thế nào

Thứ 2 , 25/11/2024, 15:07


Trong những trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự trong vụ án dân sự. Biện pháp cấm chuyển dịch tài sản là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả cao. Vậy biện pháp cấm chuyển dịch tài sản khi đang tranh chấp theo pháp luật hiện hành được quy định như thế nào hãy cùng Luật Toàn Quốc chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây

1. Cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp được hiểu như thế nào?

     Cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Khoản 7 Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, được hiểu là không cho thay đổi về quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Theo Điều 121 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp, biện pháp này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.

     Như vậy, nếu đang trong quá trình tranh chấp thì người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp bị cấm có hành vi dịch chuyển quyền tài sản đang tranh chấp. Cũng như các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác, cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp nhằm bảo vệ lợi ích cấp bách của đương trong trường hợp cần thiết, giữ được tài sản đang tranh chấp, tránh bị hư hỏng, hủy hoại hay tẩu tán.

2. Cá nhân, tổ chức nào có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản khi đang tranh chấp?

     Căn cứ theo Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cấm chuyển dịch về tài sản khi đang tranh chấp là một trong những biện pháp tạm thời được Tòa án áp dụng.

     Như vậy, tòa án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản khi đang tranh chấp. Khi đó, người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp không có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

     Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản khi đang tranh chấp song việc xem xét, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp này tùy trường hợp theo Điều 112 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền quyết định, áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

  • Trường hợp thứ nhất là trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán có thẩm quyền về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cấm chuyển dịch tài sản khi đang tranh chấp.
  • Trường hợp thứ hai là  ngay tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền về xem xét, quyết định về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cấm chuyển dịch tài sản khi đang tranh chấp.

3. Biện pháp cấm chuyển dịch tài sản khi tranh chấp áp dụng trong trường hợp nào?

     Áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản nhằm mục đích hạn chế tài sản đang tranh chấp bị hư hỏng, thất thoát hoặc tẩu tán, chuyển dịch cho bên thứ ba. Tài sản đang tranh chấp là tài sản đang có hai hay nhiều người cùng xác nhận quyền của mình đối với tài sản đó và phủ định quyền của người kia đối với tài sản mà tài sản đó hiện không rõ thuộc về người nào.

     Căn cứ theo Điều 121 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể về trường hợp áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch về quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp như sau:

  • Trường hợp thứ nhất là trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác. Căn cứ theo Điều 179 Bộ luật Dân sự 2015, chiếm hữu tài sản là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền với tài sản. Do đóm nếu trong quá trình từ thụ lý vụ án, nghiên cứu hồ sơ đến khi giải quyết tranh chấp của các bên đương sự mà chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản có hành vi, hành động cụ thể nhằm chuyển giao quyền tài sản đang tranh chấp cho người thứ ba thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
  • Trường hợp thứ hai là trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác thì tương tự như người đang chiếm hữu tài sản, người giữ tài sản đang tranh chấp hay có thể hiểu đó là chủ thể lưu giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản, khi tài sản đó đang trong quá trình tranh chấp mà đang có hành vi chuyển dịch tài sản đó cho người khác thì cơ quan tiến hành có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với họ để ngăn chặn hành vi mà họ đang thực hiện.

     Như vây, có 2 trường hợp Tòa án có thể áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản khi đang tranh chấp. Khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này thì mọi sự chuyển dịch về quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp đều vô hiệu. Tòa án quyết định biện pháp này theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu áp dụng.

4. Chuyên mục hỏi đáp 

Câu hỏi 1: Ai có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản khi đang tranh chấp?

     Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: "Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự (sau đây gọi chung là đương sự) có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có để tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. 

     Như vậy, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong đó có việc cấm chuyển dịch tài sản khi đang tranh chấp.

Câu hỏi 2: Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản không đúng thì xử lý như thế nào?

     Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản không đúng có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chủ thể đang chiếm hữu tài sản, giữ tài sản. Do đó, nếu yêu cầu áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

       Bên cạnh đó, người có yêu cầu áp dụng có thể không được nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá. Việc có quy định như vậy nhằm bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và tránh tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu mà chưa có sự nghiên cứu kĩ.

       Tuy nhiên, chưa có pháp luật quy định về việc Tòa án phải chịu trách nhiệm gì khi xác định số tiền để thực hiện biện pháp bảo đảm không tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản không đúng dẫn đến quyền lợi của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này hoặc cho người thứ ba bị ảnh hưởng.

​     Bài viết cùng chuyên mục:

     Để biết thêm những thông tin cần thiết về các hành vi bị cấm trong tín ngưỡng tôn giáo quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất! Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn! 

     Chuyên viên: Lê Hữu Phước

 
Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]