Thủ tục giám định tâm thần

Thứ 3 , 04/06/2024, 02:30


     Để có thể tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì cần phải có kết luận giám định pháp y tâm thần. Vậy thủ tục để giám định tâm thần như thế nào? hồ sơ yêu cầu giám định tâm thần gồm những gì?

1. Giám định tâm thần là gì?

     Giám định pháp y tâm thần hay gọi tắt là giám định tâm thần là công tác được phối hợp thực hiện giữa các ngành y tế, công an, viện kiểm sát và tòa án để nghiên cứu mối liên hệ giữa các trạng thái rối loạn với các vấn đề về dân sự và hình sự.

2. Hồ sơ yêu cầu giám định tâm thần 

     Căn cứ điểm 4 khoản III Phần A Quy trình giám định pháp y tâm thần ban hành kèm theo Thông tư 23/2019/TT-BYT (có hiệu lực từ 01/11/2019) quy định về hồ sơ yêu cầu giám định pháp y tâm thần, bao gồm:

  •     Văn bản yêu cầu giám định pháp y tâm thần theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật giám định tư pháp;
  •    Bản sao giấy tờ sau: Bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
  •     Các tài liệu sau:

Các tài liệu liên quan đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần của đối tượng giám định, bao gồm:

- Bản báo cáo của gia đình đối tượng giám định về tiền sử sản khoa, quá trình phát triển tâm thần, vận động, đặc điểm tính cách, tình hình bệnh tật, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của đối tượng, cần nêu rõ việc có hay không sử dụng rượu, bia, ma túy của đối tượng giám định từ nhỏ tới thời điểm giám định hoặc thời điểm xảy ra vụ việc;

- Hồ sơ bệnh án (phô tô toàn bộ) của đối tượng giám định đã khám, điều trị từ trước đến nay tại các cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý các hồ sơ khám bệnh, điều trị bệnh tâm thần, thần kinh, điều trị về sọ não và các đơn (toa) thuốc, phiếu khám, các kết quả xét nghiệm của đối tượng giám định từ nhỏ đến thời điểm giám định hoặc thời điểm xảy ra vụ việc;

- Nhận xét của Trạm y tế xã/phường/thị trấn hoặc y tế cơ quan (nơi đối tượng giám định cư trú hoặc làm việc - sau đây gọi chung là Trạm y tế) về việc đối tượng giám định có được quản lý sức khỏe và điều trị tại trạm y tế hay không. Nếu được quản lý và điều trị bệnh tâm thần tại Trạm y tế, đề nghị nhận xét về tình trạng sức khỏe tâm thần, về việc khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc và uống thuốc tâm thần của đối tượng giám định. (nếu chưa khám, chữa bệnh tâm thần tại Trạm y tế xã thì xác nhận là đối tượng chưa từng khám, chữa bệnh tâm thần tại Trạm y tế).

- Nhận xét của Trưởng/Phó thôn hoặc Tổ trưởng/Tổ phó tổ dân phố về đặc điểm tính tình, quá trình sinh sống, sinh hoạt tại địa phương, mối quan hệ xã hội, các biểu hiện hành vi bất thường (đặc biệt là sức khỏe tâm thần) của đối tượng, nhất là tại thời điểm xảy ra vụ việc;

- Hai bản nhận xét của 02 người hàng xóm hoặc bạn bè/đồng nghiệp cùng cơ quan (không có quan hệ họ hàng với đối tượng giám định, mỗi người viết 01 bản riêng biệt) về quá trình bệnh tật, đặc điểm tính tình, quá trình sinh sống, sinh hoạt tại địa phương, mối quan hệ xã hội, các biểu hiện hành vi bất thường (đặc biệt là sức khỏe tâm thần) của đối tượng, nhất là tại thời điểm xảy ra vụ việc;

  • Các tài liệu, thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của người giám định.

3. Thủ tục giám định tâm thần

     Trình tự thủ tục giám định tâm thần.

     Bước 1. Tổ chức chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.

     Bước 2. Nộp hồ sơ tại Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc thuộc Sở Y tế tỉnh

  • Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, ngày thứ 7, chủ nhật.

     Bước 3. Công chức tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

  • Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn cho cá nhân, tổ chức.
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để cá nhân, tổ chức hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

     Bước 4. Công chức chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả theo giấy hẹn.

     Bước 5. Cá nhân, tổ chức nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính Trung tâm giám định pháp y tâm thần trực thuộc Sở Y tế tỉnh.

4. Hỏi đáp về thủ tục giám định tâm thần.

Câu 1: Hàng xóm có cần phải ghi bản nhận xét về đối tượng giám định hay không?

     Theo tiết c, tiết d điểm 3.1.1.1 khoản III phần A theo thông tư 23/2019/TT-BYT:

     Cần phải có Hai bản nhận xét của 02 người hàng xóm hoặc bạn bè/đồng nghiệp cùng cơ quan (không có quan hệ họ hàng với đối tượng giám định, mỗi người viết 01 bản riêng biệt) về quá trình bệnh tật, đặc điểm tính tình, quá trình sinh sống, sinh hoạt tại địa phương, mối quan hệ xã hội, các biểu hiện hành vi bất thường (đặc biệt là sức khỏe tâm thần) của đối tượng, nhất là tại thời điểm xảy ra vụ việc.

Câu 2: Văn bản yêu cầu giám định pháp y tâm thần bao gồm những nội dung gì?

     Căn cứ theo khoản 2 Điều 26 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định:

     Văn bản yêu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây:

  • Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;
  • Nội dung yêu cầu giám định;
  • Tên và đặc điểm của đối tượng giám định;
  • Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);
  • Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định;
  • Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định.

Các bài viết liên quan

   Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về thủ tục giám định tâm thần quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất! Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Nguyễn Văn Khánh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com