Một số quy định về đại diện theo ủy quyền theo Bộ luật Dân sự 2015

Thứ 4 , 06/09/2023, 17:18


     Đại diện theo ủy quyền là một trong các căn cứ để xác lập quyền đại diện đối với cá nhân, pháp nhân. Vậy BLDS 2015 quy định thể nào về đại diện theo ủy quyền? Dưới đây là một số các quy định cơ bản về vấn đề này.

1. Đại diện theo ủy quyền là gì?

     Đại diện theo ủy quyền có thể hiểu là việc cá nhân, pháp nhân (gọi chung là người được đại diện) ủy quyền cho một cá nhân, pháp nhân khác để họ nhân danh và vì lợi ích của mình để xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.

     Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện theo ủy quyền phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập, thực hiện. (Theo khoản 3, Điều 135 BLDS 2015).

2. Ai có thể là người đại diện theo ủy quyền?

     Theo Điều 138, người đại diện có thể là:

1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

    Như vậy, người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ năng lực chủ thể, năng lực hành vi. Trong trường hợp có quy định thì người đại diện theo ủy quyền phải là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

3. Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện

     Đại diện là việc bên đại diện nhân danh, vì lợi ích của bên được đại diện trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Vì vậy hậu quả pháp lý của hành vi này là làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ đối với người được đại diện. Cụ thể, Điều 139 quy định:

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

2. Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.

3. Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.

4. Thời hạn đại diện

     Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, trường hợp không xác định được thì theo quy định của pháp luật. Theo đó:

  • Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó
  • Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

     Ngoài ra, đại diện theo ủy quyền có thể chấm dứt trong một số trường hợp, được quy định tại khoản 3, Điều 140, BLDS 2015:

3. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận;

b) Thời hạn ủy quyền đã hết;

c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3, Điều 134 của Bộ luật này;

g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

5. Phạm vi đại diện theo ủy quyền

    Phạm vi đại diện được quy định tại Điều 141, BLDS 2015:

1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Điều lệ của pháp nhân;

c) Nội dung ủy quyền;

d) Quy định khác của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    Như vậy, pháp luật cho phép một cá nhân, pháp nhân có thể là người đại diện cho nhiều cá phân, pháp nhân khác. Tuy nhiên, họ chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi mà mình được ủy quyền, và mục đích của việc đại diện là hướng tới lợi ích của người được đại diện.

6. Hỏi đáp về đại diện theo ủy quyền theo BLDS 2015

Câu hỏi 1: Người đại diện theo ủy quyền có được đồng thời là người tham gia giao dịch dân sự giữa mình với người được đại diện không?

     Cá nhân, pháp nhân nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều có thể trở thành người đại diện theo ủy quyền cho một hoặc nhiều cá nhân, pháp nhân khác. Tuy nhiên, nếu đã trở thành đại diện ủy quyền cho một bên chủ thể, thì không được tham gia giao dịch dân sự giữa mình với bên mà mình nhân danh.

Câu hỏi 2: Nếu người đại diện ủy quyền và người giao dịch với họ cố ý thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền và gây thiệt hại cho người được đại diện thì ai phải chịu hậu quả pháp lý?

     Căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 143, BLDS 2015 thì trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Bài viết liên quan:

​     Để được tư vấn chi tiết về quy định về đại diện theo ủy quyền, quý khách xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Hải Đường

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com