Theo pháp luật hiện hành người về hưu tiếp tục đi làm có phải đóng bảo hiểm xã hội không

Thứ 5 , 10/11/2022, 09:08


     Khi đủ điều kiện nghỉ hưu, nhiều người lao động sẽ chọn ở nhà nghỉ ngơi sau quãng thời gian làm việc nhưng có một số người lao động vẫn muốn đi làm để kiếm thêm thu nhập và vừa có lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội trả cho họ. Vậy khi người về hưu tiếp tục đi làm có phải đóng bảo hiểm xã hội không? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết.

     Câu hỏi của bạn: 

    Thưa Luật sư, hiện nay tôi có một vấn đề muốn nhờ Luật sư tư vấn như sau: Tôi mới nghỉ hưu và muốn đi làm để kiếm thêm thu nhập. Vậy tôi muốn hỏi Luật sư về việc người nghỉ hưu đi làm có phải đóng bảo hiểm xã hội không? 

        Câu trả lời của Luật sư:

      Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về người về hưu tiếp tục đi làm có phải đóng bảo hiểm xã hội khôngchúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về người về hưu tiếp tục đi làm có phải đóng bảo hiểm xã hội không như sau:

          Căn cư pháp lý:

  • Bộ Luật lao động 2019
  • Quyết định 595/QĐ-BHXH
  • Luật bảo hiểm xã hội 2014 

1. Người nghỉ hưu là gì?

      Người nghỉ hưu là thuật ngữ thường dành cho người lao động đã đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi và thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật. Những đối tượng này đã nộp hồ sơ và được cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền ra quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng.

2. Người nghỉ hưu tiếp tục đi làm có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

     Theo điểm 1.1, 1.2 khoản 1 điều 4 Nghị quyết 595/QĐ- BHXH, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

Điều 4: Đối tượng tham gia theo quy định tại điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1.  Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

1.1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

1.2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);

     Theo các điều trên thì hầu hết mọi người đi làm đều phải bắt buộc đóng BHXH với mọi đối tượng làm việc có xác định thời hạn, không xác định thời hạn hay kể cả mùa vụ hoặc công vụ nhất thời. Tuy nhiên, theo khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có nói: 

Điều 123: Quy định chuyển tiếp

9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

     Vậy người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong trường hợp này không phải đóng BHXH bắt buộc. Do đó, người đang hưởng lương hưu thì không phải đóng BHXH.

3. Quyền lợi người về hưu tiếp tục đi làm được hưởng khi ký hợp đồng lao động

     Theo phân tích trên, đối với hợp đồng lao động của người về hưu đi làm sẽ không bị bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội Tuy nhiên người sử dụng lao động sẽ phải trả thêm tiền cho những người về hưu tiếp tục đi làm theo hợp đồng lao động. Bởi khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định:

Điều 168:Tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp:

........

3.Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

     Vậy người về hưu đi làm ngoài tiền lương được nhận, doanh nghiệp sẽ còn phải thanh toán thêm cho người nghỉ hưu đi làm với một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 

4. Hỏi đáp về người về hưu tiếp tục đi làm có phải đóng bảo hiểm xã hội không:

Câu hỏi 1: Cách tính lương hưu hàng tháng?

    Theo quy định tại Khoản 2,3 Điều 56 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định về mức hưởng lương hưu hàng tháng:

“2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi”.

Câu hỏi 2: Doanh nghiệp ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần với người lao động đang hưởng lương hưu được không?

   Theo quy định tại khoản 1 điều 149 thì khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này. Như vậy trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động đang hưởng chế độ hưu trí có thể ký nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

 Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!  

Chuyên viên: Ngọc Hồng

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com