Nghỉ không lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không

Thứ 5 , 04/08/2022, 01:54


Trong cuộc sống thường ngày, người lao động đôi khi không thể tránh khỏi có việc riêng cần giải quyết vì vậy mà người lao động bắt buộc phải xin nghỉ không lương. Tuy nhiên, nghỉ việc không lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không là điều rất nhiều người lao động còn chưa rõ.

Câu hỏi của bạn:        

     Xin chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Hiện tôi đang làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tôi muốn xin nghỉ việc không hưởng lương một thời gian. Vậy tôi nghỉ không lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không? Rất mong được Luật sư giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn !

Câu trả lời của luật sư:

       Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về nghỉ việc không lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không, chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về vấn đề nghỉ không lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật Lao động 2019
  • Quyết định 595/QĐ-BHXH quyết định ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN, quản lý sổ BHXH, BHYT
  • Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

Nội dung tư vấn:

1. Quy định về nghỉ không lương

     Theo Điều 115 Bộ Luật Lao động 2019 quy định về chế độ nghỉ việc riêng, nghỉ việc không lương như sau: 

"Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1.Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2.Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3.Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương."

     Theo quy định của pháp luật trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng nhưng không được hưởng lương bao gồm: Nghỉ việc 01 ngày không hưởng lương khi trong nhà có người thân là ông ngoại, bà ngoại, ông nội, bà nội, anh, chị, em, ruột qua đời; hoặc khi bố hoặc mẹ kết hôn, anh, chị, em ruột kết hôn. Trước khi nghỉ người lao động phải thực hiện thông báo đến người sử dụng lao động được biết – đây là trường hợp nghỉ không hưởng lương liên quan đến công việc của người thân trong nhà đã được pháp luật quy định cụ thể; Ngoài ra người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương theo số ngày bản thân mong muốn.

2. Nghỉ không lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không

     Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối với người lao động nghỉ không hưởng lương như sau:

"Điều 85: Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

...

3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

..."

     Theo quy định trên, người lao động nghỉ việc không hưởng lương trong một tháng từ 14 ngày trở lên thì không phải đóng bảo hiểm xã hội. Ngược lại trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng lương dưới 14 ngày trong tháng thì tháng đó người sử dụng lao động và người lao động vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật.

     Căn cứ theo Khoản 2 Điều 39 Luật BHXH năm 2014 và Khoản 4 Điều 42 Quyết định số 595/QĐ-BHXH có 2 trường hợp đặc biệt mà khi người lao động nghỉ việc không hưởng lương nhưng vẫn được đóng bảo hiểm xã hội gồm:

  • Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản;

  • Trường hợp người lao động nghỉ việc trên 14 ngày nhưng không cùng trong 1 tháng.

3. Người lao động được nghỉ không hưởng lương tối đa bao nhiêu ngày?

     Theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

     Ngoài ra, Người lao động còn có thể thỏa thuận với Người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương. Trường hợp này tùy thuộc vào thỏa thuận của 2 bên mà số ngày nghỉ không lương có thể dài, ngắn khác nhau. Nếu Người sử dụng lao động không cho nghỉ thì Người lao động không được tự ý nghỉ.

4. Hỏi đáp về nghỉ việc không lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không

Câu hỏi 1: Nghỉ việc không lương có được hưởng bảo hiểm y tế không?

  • Trường hợp nghỉ thai sản

     Căn cứ theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 13, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014 nêu rõ trường hợp người lao động nghỉ việc không lương do nghỉ ốm đau, thai sản như sau:

“a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng”

     Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH người lao động vẫn đóng BHXH và BHYT, do đó vẫn được hưởng BHYT theo quy định.

  • Trường hợp nghỉ khác không hưởng lương

     Theo quy định theo Khoản 4 và 5, Điều 42, Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định như sau:

“4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

5. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.”

     Như vậy, trường hợp người lao động nghỉ việc không hưởng lương dưới 14 ngày thì thuộc trường hợp đóng BHXH bắt buộc đồng nghĩa với việc được đóng BHYT, do đó người lao động được hưởng BHYT theo quy định tại tháng nghỉ việc.

     Trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì sẽ không đóng BHXH tháng đó. Nếu nghỉ không lương do ốm đau, bệnh tật thì người lao động vẫn được hưởng BHYT theo quy định. Còn các trường hợp nghỉ việc không lương do nguyên nhân cá nhân, khách quan thì sẽ không được hưởng BHYT.

Câu hỏi 2: Nghỉ việc không lương có được hưởng chế độ ốm đau không?

     Khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc không giải quyết chế độ ốm đau như sau: 

"Điều 3. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

...

2. Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:

...

c) Người lao động ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội."

     Như vậy, trong thời gian nghỉ không lương, người lao động mà bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động thì họ sẽ không được hưởng chế độ ốm đau.

Câu hỏi 3: Thời gian nghỉ việc không lương có được tính vào nghỉ phép hằng năm không?

    Căn cứ theo Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động như sau:

  • Thời gian học nghề, tập nghề 
  • Thời gian thử việc
  • Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương
  • Thời gian nghỉ không lương nếu được NSDLĐ đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm
  • Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng
  • Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong vòng 1 năm
  • Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản
  • Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật
  • Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ
  • Thời gian nghỉ vì tạm đình chỉ công việc sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao đông.

    Đối chiếu các trường hợp trên thì nếu người lao động nghỉ không lương mà được sự đồng ý của người sử dụng lao động và thời gian nghỉ cộng dồn không quá 1 tháng trong năm thì thời gian đó sẽ được tính vào thời gian làm việc tính số ngày nghỉ hàng năm.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về nghỉ việc không lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về nghỉ việc không lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về nghỉ việc khoogn lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không tới địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Lê Hằng

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com