Hướng dẫn thủ tục niêm yết chứng khoán

Thứ 6 , 08/11/2024, 08:43


    Hầu hết các công ty cổ phần đều muốn hướng tới sự phát triển vượt bậc và tăng độ uy tín trên thị trường để đưa cổ phiếu của mình được niêm yết trên sàn chứng khoán. Vậy điều kiện niêm yết chứng khoán bao gồm những gì? Thủ tục niêm yết chứng khoán được thực hiện như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật chứng khoán 2019;
  • Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật chứng khoán;
  • Thông tư 14/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 127/2018/TT-BTC quy định về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 do Bộ Tài chính ban hành

1. Khái niệm niêm yết chứng khoán

      Niêm yết chứng khoán là việc đưa chứng khoán có đủ điều kiện niêm yết vào giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết. Trong đó, Chng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

  • Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
  • Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
  • Chứng khoán phái sinh;
  • Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

     Hiện nay tại Việt Nam có các sàn giao dịch chứng khoán lớn như: Sàn giao dịch chứng khoán Hose, Sàn chứng khoán HNXSàn chứng khoán UpcomSàn OTCSàn giao dịch chứng khoán ảo Vnstockgame.

2. Phân loại niêm yết chứng khoán

   Niêm yết chứng khoán được phân thành nhiều loại, cụ thể như sau: 

  • Niêm yết lần đầu (Initial Listing). là việc cho phép chứng khoán của tổ chức phát hành được đăng ký niêm yết giao dịch chứng khoán lần đầu tiên sau khi phát hành ra công chúng (IPO) khi tổ chức phát hành đó đáp ứng được các tiêu chuẩn về niêm yết.
  • Niêm yết bổ sung (Additional Listing): là quá trình chấp thuận của sàn giao dịch chứng khoán cho một công ty niêm yết được niêm yết các cổ phiếu mới phát hành với mục đích tăng vốn hay vì các mục đích khác như sáp nhập, chi trả cổ tức, thực hiện các trái quyền hoặc thực hiện các trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu...
  • Thay đổi niêm yết (Change Listing) phát sinh khi công ty niêm yết thay đổi tên chứng khoán giao dịch, khối lượng, mệnh giá hoặc tổng giá trị chứng khoán được niêm yết của mình.
  • Niêm yết lại (Relisting) Là việc cho phép một công ty phát hành được tiếp tục niêm yết trở lại các chứng khoán trước đây đã bị hủy bỏ niêm yết vì các lý do không đáp ứng được các tiêu chuẩn duy trì niêm yết.
  • Niêm yết cửa sau (Back door Listing) Là trường hợp một tổ chức niêm yết chính thức sáp nhập, liên kết hoặc tham gia vào hiệp hội với một tổ chức, nhóm không niêm yết và kết quả là các tổ chức không niêm yết đó lấy được quyền kiểm soát tổ chức niêm yết.
  • Niêm yết toàn phần và niêm yết từng phần (Dual Listing&Partial listing): Niêm yết toàn phần là việc niêm yết tất cả các cổ phiếu sau khi đã phát hành ra công chúng trên một sàn giao dịch chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài. Niêm yết từng phần là việc niêm yết một phần trong tổng số chứng khoán đã phát hành ra công chúng của lần phát hành đó, phần còn lại không hoặc chưa được niêm yết. Niêm yết từng phần thường diễn ra ở các công ty lớn do Chính phủ kiểm soát, phần chứng khoán phát hành ra thị trường do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ được niêm yết, còn phần nắm giữ của Chính phủ hoặc tổ chức đại diện cho Chính phủ nắm giữ không được niêm yết.

3. Điều kiện niêm yết chứng khoán

     Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ phân tích điều kiện và thủ tục niêm yết chứng khoán cho công ty cổ phần lần đầu chào bán ra công chúng. Cụ thể, tại Điều 109 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật chứng khoán đã quy định điều kiện niêm yết cổ phiếu như sau:

  • Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng trở lên căn cứ trên báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán, đồng thời giá trị vốn hóa đạt tối thiểu 30 tỷ đồng tính theo bình quân gia quyền giá thanh toán cổ phiếu trong đợt chào bán ra công chúng gần nhất theo quy định của Nghị định này hoặc giá tham chiếu cổ phiếu giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom trung bình 30 phiên gần nhất trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hoặc bình quân giá quyền giá thanh toán trong đợt bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa;
  • Đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết; đã giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom tối thiểu 02 năm, trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết đã chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa;
  • Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên được soát xét trong trường hợp đăng ký niêm yết sau ngày kết thúc của kỳ lập báo cáo tài chính bán niên;
  • Trừ trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa, tổ chức đăng ký niêm yết phải có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức đăng ký niêm yết từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết;
  • Cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban Kiểm soát (Kiểm soát viên), Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị bổ nhiệm và cổ đông lớn là người có liên quan của các đối tượng trên phải cam kết tiếp tục nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ;
  • Công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty không bị xử lý vi phạm trong thời hạn 02 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán;
  • Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký niêm yết, trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết là công ty chứng khoán.

      Trái phiếu doanh nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán là trái phiếu đã chào bán ra công chúng.

    Đây là quy định chung đối với một công ty muốn lên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, mỗi sàn chứng khoán có thể có những điều kiện riêng và chặt chẽ hơn. Đặc biệt, điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) được quy định rất chặt chẽ và thêm nhiều tiêu chí khác kèm theo.

4. Thủ tục niêm yết chứng khoán

     Hiện nay pháp luật quy định khá chặt chẽ về trình tự thủ tục niêm yết chứng khoán. Theo đó, luật chứng khoán và nghị định hướng dẫn thi hành quy định như sau:

4.1. Hồ sơ niêm yết chứng khoán

     Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của công ty chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm:

  • Giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu theo Mẫu số 28 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này 155/2020/NĐ-CP;
  • Bản cáo bạch niêm yết theo Mẫu số 29 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP; Giấy chứng nhận đăng ký chào bán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, báo cáo kết quả chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức đăng ký niêm yết hoặc quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về Đề án cổ phần hóa (trong trường hợp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp cổ phần hóa); Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu;
  • Sổ đăng ký cổ đông của tổ chức đăng ký niêm yết được lập trong thời hạn 01 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký niêm yết; kèm theo danh sách cổ đông lớn, cổ đông chiến lược, người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ (số lượng, tỷ lệ nắm giữ, thời gian bị hạn chế chuyển nhượng (nếu có));
  • Cam kết của cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban Kiểm soát (Kiểm soát viên), Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị bổ nhiệm và cam kết của cổ đông lớn là người có liên quan của các đối tượng trên về việc nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo;
  • Hợp đồng tư vấn niêm yết, trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết là công ty chứng khoán;
  • Giấy chứng nhận của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam về việc cổ phiếu của tổ chức đăng ký niêm yết đã đăng ký chứng khoán tập trung;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương;
  • Báo cáo tài chính trong 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết của tổ chức đăng ký niêm yết 

     Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của công ty đã giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom tối thiểu 02 năm, bao gồm:

  • Tài liệu tương tự như trên trừ: Bản cáo bạch niêm yết, Giấy chứng nhận đăng ký chào bán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, báo cáo kết quả chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức đăng ký niêm yết hoặc quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về Đề án cổ phần hóa, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu; Giấy chứng nhận của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam về việc cổ phiếu của tổ chức đăng ký niêm yết đã đăng ký chứng khoán tập trung;
  • Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu;
  • Bản cáo bạch niêm yết theo Mẫu số 29 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155.

     Hồ sơ đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ đóng, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hoán đổi danh mục và cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng bao gồm:

  • Giấy đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán theo Mẫu số 28 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155;
  • Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đầu tư chứng khoán, Giấy phép thành lập và hoạt động công ty đầu tư chứng khoán kèm theo bản cáo bạch, sổ đăng ký nhà đầu tư hoặc sổ đăng ký cổ đông;
  • Báo cáo danh mục đầu tư của quỹ, công ty đầu tư chứng khoán tại thời điểm đăng ký niêm yết có xác nhận của ngân hàng giám sát;
  • Giấy chứng nhận đăng ký chứng chỉ quỹ, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cấp.

     Lưu ý: Sở giao dịch chứng khoán sau khi chấp thuận niêm yết phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 01 bản sao hồ sơ đăng ký niêm yết.

4.2. Quy trình niêm yết chứng khoán

     Bước 1: Nộp hồ sơ đã chuẩn bị đến Sở Giao dịch chứng khoán

     Bước 2: Sở giao dịch chứng khoán tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ sẽ tiến hành ra quyết định chấp thuận niêm yết; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

     Bước 3: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được chấp thuận niêm yết, tổ chức đăng ký niêm yết phải đưa chứng khoán vào giao dịch.

4.3. Thời hạn phê duyệt niêm yết chứng khoán

     Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết đầy đủ và hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán có quyết định chấp thuận niêm yết; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

     >>>Xem thêm: Thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ

5. Câu hỏi thường gặp về thủ tục niêm yết chứng khoán

Câu hỏi 1: Phí đăng ký niêm yết chứng khoán được quy định như thế nào?

     Trước đây, tại thông tư 127/2018/TT-BTC quy định phí đăng ký niêm yết chứng khoán lần đầu là 10 triệu đồng đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và 5 triệu đồng Đối với chứng quyền có bảo đảm. Tuy nhiên, đến thông tư 14/2020/TT-BTC sửa đổi một số điều của thông tư 127 đã miễn loại phí này cho doanh nghiệp đăng ký niêm yết lần đầu. 

Câu hỏi 2: Điều kiện niêm yết trên sàn HOSE (sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ chí Minh) là gì?

     Doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn HOSE ngoài những điều kiện đã phân tích ở trên cần đáp ứng thêm các điều kiện sau:

  • Vốn điều lệ tối thiểu 120 tỷ đồng
  • Thời gian hoạt động Ít nhất là 2 nắm dưới hình thức là Công ty cổ phần
  • Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ
  • Trong 2 năm hoạt động liền kề gần nhất phải có Lợi nhuận trên vốn: gần nhất đạt bằng hoặc trên 5%
  • Không có nợ quá hạn trên 1 năm
  • Không có lỗ lũy kế tính tới thời điểm đăng ký niêm yết
  • Công ty hoạt động không vi phạm pháp luật cũng như vi phạm các điều khoản về kế toán và báo cáo tài chính
  • Bên cạnh đó còn có thêm một số điều kiện khác

Câu hỏi 3: Điều kiện niêm yết chứng khoán trên sàn HNX (Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hà Nội) được quy định như thế nào?

     Muốn đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng
  • Hoạt động Ít nhất 1 năm dưới hình thức là Công ty cổ phần
  • Tối thiểu 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ
  • Năm liền trước phải có Lợi nhuận trên vốn: gần nhất đạt bằng hoặc trên 5%
  • Không có nợ quá hạn trên 1 năm
  • Không có lỗ lũy kế tính tới thời điểm đăng ký niêm yết
  • Công ty hoạt động không vi phạm pháp luật cũng như vi phạm các điều khoản về kế toán và báo cáo tài chính
  • Bên cạnh đó còn có thêm một số điều kiện khác

     Trên đầy là bài viết tư vấn của luật Toàn Quốc liên quan đến điều kiện, thủ tục niêm yết chứng khoán và các vấn đề liên quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng liên hệ dịch vụ của chúng tôi theo địa chỉ dưới đây.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về thủ tục niêm yết chứng khoán

Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về thủ tục niêm yết chứng khoán và các vấn đề có liên quan về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

        Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!  

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]