Quy định pháp luật về chứng cứ trong vụ án dân sự

Thứ 6 , 29/09/2023, 10:44


Trong pháp luật Tố tụng dân sự, để giải quyết được một vụ án dân sự cần trải qua rất nhiều quy trình và thủ tục phức tạp để đảm bảo vụ án có được kết quả chính xác và luôn tuân thủ theo quy định pháp luật. Chứng cứ trong vụ án dân sự chính là một nhân tố cần thiết giúp Toà án có cái nhìn khách quan nhất về những sự việc đã xảy ra và là phương tiện quan trọng để đương sự chứng minh trong vụ án dân sự.  

1. Chứng cứ là gì?

     Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định rằng chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

     Như vậy, chứng cứ là những gì phản ảnh đúng sự thật, không được tạo nên bởi sự gian dối của cá nhân hay cơ quan tổ chức nào. Nó phải đảm bảo được tính khách quan, toàn diện đầy đủ, chính xác, sự liên quan giữa các chứng cứ. Ngoài ra, việc khẳng định được tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.

2. Vụ án dân sự là gì?

     Tại Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự có đề cập đến vụ án dân sự, theo đó các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được gọi chung là vụ án dân sự. Có thể hiểu một cách đơn giản, vụ án dân sự là các tranh chấp xảy ra giữa các đương sự mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì cá nhân, tổ chức tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

3. Các đặc tính của chứng cứ trong vụ án dân sự

3.1. Tính khách quan

     Điều 108 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định rằng:

Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác

     Chứng cứ được tồn tại một cách khách quan, nó không phụ thuộc vào ý chí của đương sự. Đương sự có thể thu thập, nghiên cứu xem xét xem chứng cứ đó có ích cho vụ án dân sự hay không, chứ không có quyền thay đổi bản chất hay xuyên tạc nội dung của chứng cứ. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành thu thập chứng cứ thì cần chú ý đến nhiều khía cạnh, chẳng hạn như: Chứng cứ đó được hình thành như thế nào? Chứng cứ đó có thể hiện đúng bản chất của sự việc không? Chứng cứ có được coi là căn cứ để đánh giá sự việc không?

3.2. Tính liên quan

      Thông thường, khi Toà án giải quyết vụ án dân sự, sẽ có rất nhiều chứng cứ được gửi lên làm bằng chứng để Toà xem xét. Tuy nhiên không phải bằng chứng nào trong số đó cũng đủ điều kiện để được lấy làm bằng chứng chính thức, một trong những lý do lớn nhất là nó không liên quan đến vụ án. Sự liên quan hay không liên quan của chứng cứ đôi khi có thể rất dễ nhận biết, ví dụ: Các bên tranh chấp về tài sản thừa kế được nhận, Toà nắm được bằng chứng là bản di chúc trong vụ án được yêu cầu, như vậy câu chữ trong bản di chúc được coi là bằng chứng có liên quan để giải quyết vụ án.

      Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào bằng chứng cũng có thể phản ánh sự liên quan một cách rõ ràng như vậy, mà đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải xem xét thật kỹ bằng chứng, xâu chuỗi, đánh giá với các sự việc khác mới thấy được giá trị chứng minh của nó.

3.3. Tính hợp pháp

     Tính hợp pháp được hiểu là những thông tin, tài liệu, đồ vật,… do đương sự cung cấp hoặc do Tòa án thu thập phải phù hợp với quy định của pháp luật Tố tụng dân sự. Muốn trở thành chứng cứ thì thông tin, tài liệu, đồ vật trên phải được thu thập và bảo quản theo đúng trình tự, thủ tục đặc thù mà pháp luật quy định thì mới có giá trị pháp lý và được sử dụng để làm cơ sở đánh giá trong quá trình giải quyết vụ việc.

     Ví dụ: Bản hợp đồng được giao nộp cho Toà án để làm bằng chứng dưới dạng bản sao không có công chứng, chứng thực hợp pháp thì không được coi là chứng cứ. 

4. Phân loại chứng cứ

     Có thể phân loại chứng cứ dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, tuy nhiên cách phân loại dễ hiểu nhất là chứng cứ thể hiện dưới dạng vật chất và chứng cứ phi vật chất

  • Chứng cứ vật chất: ví dụ như vật chứng, các giấy biên nhận nợ, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng trong các vụ án tranh chấp đòi nợ...

  • Chứng cứ phi vật chất: là những chứng cứ liên quan đến các tình tiết của vụ án được phản ánh vào ý thức của con người. Thông qua các biện pháp, các hình thức thu thập chứng cứ để “vật chất” hóa các dấu vết đó dưới những hình thức nhất định, có thể kể đến như việc lập biên bản ghi lời khai của nhân chứng biết sự việc, chứng kiến sự việc...

5. Hỏi đáp về chứng cứ trong vụ án dân sự

Câu hỏi 1: Chứng cứ và nguồn chứng cứ có khác nhau không?

     Chứng cứ và nguồn chứng cứ là hai khái niệm khác nhau.

     Chứng cứ là thông tin còn nguồn chứng cứ là vật mang thông tin. Bất kỳ chứng cứ nào cũng được lưu giữ trong nguồn mà pháp luật quy định để đảm bảo cho chứng cứ đúng đắn, khách quan.

Câu hỏi 2. Khi giao nộp chứng cứ bằng tiếng nước ngoài thì có cần lưu ý gì không?

     Theo khoản 3 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, và phải được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Bài viết liên quan:

     Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về chứng cứ trong vụ án dân sự, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

 Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc

 

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com