Các loại vốn của doanh nghiệp

Thứ 7 , 09/11/2024, 09:11


      Vốn được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất để hình thành và phát triển hoạt động của doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp có nhiều loại vốn khác nhau để duy trì hoạt động. Dưới đây là những thông tin chi tiết về các loại vốn của doanh nghiệp dưới góc độ pháp lý.

Câu hỏi của bạn:        

       Xin chào luật sư! Tôi muốn hỏi nếu xét về mặt pháp lý thì doanh nghiệp có các loại vốn nào trong quá trình hình thành và hoạt động? Rất mong sự tư vấn của Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn !

Câu trả lời của luật sư:

     Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về vốn của doanh nghiệp, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật doanh nghiệp năm 2020
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP

1. Vốn của doanh nghiệp là gì?

      Xét ở nhiều góc độ khác nhau sẽ có các định nghĩa khác nhau về vốn của doanh nghiệp. Hiện nay, chưa có quy định của pháp luật nào quy định cụ thế khái niệm vốn của doanh nghiệp mà chỉ quy định về: Vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu....Tuy nhiên, về cơ bản có thể hiểu vốn là một loại tài sản đặc biệt được góp vào doanh nghiệp với mục đích duy trì hoạt động của doanh nghiệp đó. Vốn được biểu hiện bằng các hình thức như: Tiền mặt, vàng, giấy tờ có giá, tài sản khác như: Ô tô, máy móc, thiết bị....

2. Các loại vốn của doanh nghiệp phổ biến hiện nay

      Xét dưới góc độ pháp lý, trong doanh nghiệp có thể bao gồm các loại vốn như sau:

2.1. Vốn điều lệ

      Vốn điều lệ là loại vốn quan trọng nhất của doanh nghiệp, căn cứ theo luật doanh nghiệp 2020 đã định nghĩa về vốn điều lệ như sau: Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. Theo đó:

  • Vốn điều lệ là cơ sở xác lập địa vị pháp lý của doanh nghiệp khi mới thành lập. Đối với loại hình công ty công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh thì vốn điều lệ là khoản vốn bắt buộc phải có kể từ khi mới thành lập doanh nghiệp cho đến khi giải thể, phá sản
  • Vốn điều lệ là cơ sở quan trọng để phân chia lợi nhuận kinh doanh đối với các chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty, đặc biệt là với các công ty đối vốn như công ty TNHH, công ty cổ phần
  • Vốn điều lệ thể hiện một phần quy mô của doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin với đối tác, khách hàng

2.2. Vốn chủ sở hữu

      Vốn chủ sở hữu không cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước mà là khái niệm hay được dùng trong quản trị doanh nghiệp khi nói về vốn góp. Theo đó, vốn chủ sở hữu được định nghĩa trong Thông tư 133/2016/TT-BTC như sau: Vốn chủ sở hữu là phần tài sản thuần của doanh nghiệp còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông, thành viên góp vốn (chủ sở hữu). Vốn chủ sở hữu được phản ánh theo từng nguồn hình thành như:

  • Vốn góp của chủ sở hữu;
  • Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh;
  • Các khoản khác được phép ghi tăng vốn chủ sở hữu.

      Kế toán không ghi nhận vốn góp theo vốn điều lệ trên giấy phép đăng ký kinh doanh. Khoản vốn góp huy động, nhận từ các chủ sở hữu luôn được ghi nhận theo số thực góp, tuyệt đối không ghi nhận theo số cam kết sẽ góp của các chủ sở hữu. Trường hợp nhận vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ thì kế toán phải ghi nhận theo giá trị hợp lý của tài sản phi tiền tệ tại ngày góp vốn. Như vậy có thể hiểu, vốn chủ sở hữu là tài sản còn lại thuộc sở hữu của các thành viên, cổ đông, chủ sở hữu sau khi đã trừ đi cấc nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với nhà nước, tổ chức, cá nhân khác.

2.3. Vốn pháp định

       Hiện nay, chưa có định nghĩa cụ thể về vốn pháp định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế có thể hiểu vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để có thể thành lập một doanh nghiệp. Vốn pháp định do pháp luật ấn định khác nhau tùy theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Ví dụ: Ngành nghề kinh doanh sản xuất phim yêu cầu vốn pháp định là 200 triệu, kinh doanh dịch vụ bảo vệ là 1.000.000 USD....

2.4. Vốn vay

      Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể đi vay, mượn tiền từ các tổ chức, cá nhân khác để bổ sung vào quỹ tài sản của doanh nghiệp phục vụ vào mục đích đầu tư kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp phải trả khoản tiền đã vay trong thời hạn hai bên thỏa thuận kèm thêm một khoản tiền lãi. Thông thường, các khoản vay của doanh nghiệp hướng đến các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính. Do đó, doanh nghiệp cần thiết phải có tài sản để đảm bảo cho khoản vay của mình. Vì vậy, vốn vay được coi là "đòn bẩy tài chính" giúp doanh nghiệp thoát khởi tình trạng khó khăn tạm thời để giải quyết nhu cầu về vốn hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, kéo theo đó các khoản vay này cũng gắn liền với rủi ro cao nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán khi đáo hạn.

2.5. Vốn ký quỹ

       Vốn ký quỹ cũng không được ghi nhận khái niệm chi tiết tại bất cứ văn bản pháp luật nào. Tuy nhiên, dựa vào khái niệm ký quỹ và quy định về ký quỹ trong các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về điều kiện kinh doanh các ngành nghề đặc thù, thì vốn ký quỹ là số tiền theo quy định pháp luật mà doanh nghiệp phải nộp vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm thực hiện hoạt động kinh doanh có điều kiện. Vốn ký quỹ cũng được coi là một dạng vốn pháp định bởi việc ký quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải ngành nghề kinh doanh nào yêu cầu vốn pháp định đều phải ký quỹ tại tổ chức tín dụng.

2.6. Nguồn vốn khác

      Ngoài những nguồn vốn nêu trên, vốn của doanh nghiệp còn có thể bao gồm nguồn vốn huy động được từ bên ngoài như vốn được cho, tài trợ, từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Vốn được đầu tư từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh.....

3. Câu hỏi thường gặp về các loại vốn của doanh nghiệp

Câu hỏi 1: Công ty TNHH hai thành viên có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp nào?

      Theo quy định của luật doanh nghiệp 2020, công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

  • Tăng vốn góp của thành viên;
  • Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.

     Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác . Trường hợp có thành viên không góp hoặc chỉ góp một phần phần vốn góp thêm thì số vốn còn lại của phần vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.

Câu hỏi 2: Xin chào luật sư! Tôi muốn mở công ty môi giới chứng khoán thì cần số vốn pháp định bao nhiều?

      Căn cứ theo khoản 1 điều 175 nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật chứng khoán, Vốn điều lệ tối thiểu cho các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán tại Việt Nam như sau:

  • Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng;
  • Tự doanh chứng khoán: 50 tỷ đồng;
  • Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng;
  • Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng.

      Như vậy, để mở công ty môi giới chứng khoán thì doanh nghiệp của bạn phải có vốn điều lệ tối thiểu là 25 tỷ

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về vốn của doanh nghiệp

  • Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về các loại vốn của doanh nghiệp hoặc các vấn đề liên quan theo quy định pháp luật mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
  • Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Văn Chung

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]