Biện pháp Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình được áp dụng trong các trường hợp nào?

Thứ 6 , 14/06/2024, 07:39


Biện pháp Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình là một trong những biện pháp được pháp luật nước ta áp dụng nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Như vậy theo quy định pháp luật hiện hành biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình được áp dụng trong các trường hợp nào?  

1.  Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình được hiểu như thế nào?

     Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình là một trong những biện pháp quan trọng, nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022  quy định “cấm tiếp xúc” là “biện pháp” nhằm cấm cá nhân (là người có hành vi bạo lực gia đình) đến gần người bị bạo lực gia đình hoặc sử dụng các phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

     Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 14, Nghị định 76/2023/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định việc biện pháp Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình khi được áp dụng cũng phải đảm bảo theo 02 nguyên tắc chính:

     Thứ nhất, bảo đảm lợi ích của người bị bạo lực gia đình. Những người được đảm bảo lợi ích bao gồm: trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người đang điều trị bệnh.

     Thứ hai, người có thẩm quyền đưa ra quyết định cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình phải thông báo đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho người bị bạo lực gia đình trước khi quyết định cấm tiếp xúc.

2. Biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình được áp dụng trong các trường hợp nào?

     Theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình được áp dụng trong 02 trường hợp chính như sau:
    Thứ nhất, cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. 

     Căn cứ Điều 25 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 03 ngày đối với các trường hợp:

  • Có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình;

  • Hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cũng có thể tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc đối với trường hợp này.

     Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, người đề nghị biết.

     Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình, Trưởng Công an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú của người bị bạo lực gia đình.

     Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc có thẩm quyền hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc. Việc hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc thực hiện trong trường hợp:

  • Có yêu cầu của người đề nghị ra quyết định cấm tiếp xúc (người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình);

  • Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình không đồng ý với quyết định cấm tiếp xúc khi hành vi bạo lực gia đình đe dọa đến tính mạng của người bị bạo lực gia đình;

  • Khi xét thấy biện pháp này không còn cần thiết.

     Khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.

     Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc thì bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để ngăn chặn bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.

     Trường hợp gia đình có việc cưới, việc tang hoặc trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình cần tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình thì người có hành vi bạo lực gia đình phải thông báo với người được phân công giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc và cam kết không để xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

     Thứ hai, cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án.

     Căn cứ Điều 26 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời gian không quá 04 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình;

  • Có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

     Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình.

     Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc trong thời gian không quá 04 tháng khi cần bảo vệ tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

     Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú của người bị bạo lực gia đình và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

     Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc đối với hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình sẽ hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc khi có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

      Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc với việc có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc khi xét thấy biện pháp này không còn cần thiết.

     Trường hợp gia đình có việc cưới, việc tang hoặc trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình cần tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình thì người có hành vi bạo lực gia đình phải thông báo với người được phân công giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc và cam kết không để xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

     Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

3. Trường hợp xác định là vi phạm Quyết định Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình

    Trường hợp xác định là vi phạm Quyết định Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình được xác định tại Điều 19, Nghị định số 76/2023/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được xác định là người không thuộc trường hợp quy định tại Điều 18 Nghị định này. Cá nhân được xác định là vi phạm quyết định cấm tiếp xúc khi vi phạm một trong các trường hợp sau:

  • Đến gần người bị bạo lực gia đình trong phạm vi 100m mà không có tường ngăn hoặc vách ngăn bảo đảm an toàn;

  • Không đến gần người bị bạo lực nhưng sử dụng điện thoại, thư điện tử hoặc phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình với người không được tiếp xúc.

       Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để ngăn chặn bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

4. Câu hỏi liên quan đến Biện pháp Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình

Câu 1: Hình thức đề nghị cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

      Căn cứ tại Điều 16, Nghị định số 76/2023/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có quy định chi tiết về hình thức và đơn đề nghị cấm tiếp xúc như sau:

     Về hình thức, việc đề nghị cấm tiếp xúc được thực hiện thông qua 03 hình thức, bao gồm: trực tiếp hoặc bưu chính hoặc điện tử.

     Về đơn đề nghị, Đối với trường hợp Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Việc đề nghị phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình (quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này) sẽ áp dụng đơn đề nghị theo Mẫu số 06 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 76/2023/NĐ-CP. Đơn đề nghị không áp dụng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này.

Câu 2: Ai có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình?

    Theo quy định tại điều 27 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình được xác định thuộc về Công an xã chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở và các thành viên khác của gia đình có nạn nhân bị bạo lực gia đình, cụ thể:

  • Công an xã chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở để giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc và phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc ngay khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc quy định tại Điều 25 và Điều 26 của Luật này.

     Bên cạnh đó, người được phân công giám sát có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc. Khi phát hiện người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc, người được phân công giám sát có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện nghiêm quyết định cấm tiếp xúc; trường hợp tiếp tục vi phạm thì báo cho Trưởng Công an xã xử lý theo quy định của pháp luật.

  • Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình quy định tại khoản 7 Điều 25 và khoản 6 Điều 26 của Luật này thì thành viên khác của gia đình có trách nhiệm giám sát để bảo đảm không xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

Bài viết liên quan:

       Mọi thắc mắc liên quan đến biện pháp Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

      Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Vũ Phương Anh

 
Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com