Quy định của pháp luật về Quyền cá nhân đối với hình ảnh
Thứ 5 , 21/11/2024, 14:07
1. Quyền cá nhân đối với hình ảnh là gì?
Hiện nay, trong các quy định của pháp luật thì chưa có điều khoản cụ thể nào quy định rõ khái niệm Quyền cá nhân đối với hình ảnh. Theo khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy có thể thấy ngay cả trong các quy định pháp luật thì khái niệm Quyền cá nhân đối với hình ảnh cũng không đươc quy định rõ ràng mà chỉ mang tính chất khẳng định rằng "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình". Tuy nhiên, thông qua nội dung quy định này, có thể hiểu Quyền cá nhân đối với hình ảnh là một quyền nhân thân ắn liền với cá nhân được pháp luật quy định và bảo vệ, liên quan đến việc sử dụng và cho phép sử dụng hình ảnh của chính cá nhân đó.
Hình ảnh là sự phản ánh bên ngoài hình thể của con người, hình ảnh thu được nhờ khí cụ quang học như máy ảnh và con người nhận biết được nó bằng thị giác. Quyền cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân của cá nhân; cá nhân hoàn toàn được phép định đoạt những gì mình muốn với hình ảnh của mình, không một ai được quyền ngăn cản hay được phép xâm phạm. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Điều này được Hiến định thể hiện thông qua các quyền được tôn trọng, quyền được sử dụng, quyền được bảo vệ khi bị xâm phạm, cụ thể tại khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 như sau:
Điều 21
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
...
2. Vi phạm Quyền cá nhân đối với hình ảnh bị xử phạt như thế nào?
2.1. Xử lý hành chính
Căn cứ theo các quy định của pháp luật, các hành vi vi phạm Quyền cá nhân đối với hình ảnh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng nếu quảng cáo có dùng hình ảnh cá nhân khi chưa được đồng ý trừ trường hợp được cho phép bởi pháp luật (căn cứ điểm b khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân (trong đó có hình ảnh của người khác mà không được cho phép) nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu sử dụng trái phép hình ảnh người khác nhằm mục đích vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có hình ảnh (căn cứ điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
2.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi các hành vi vi phạm Quyền cá nhân đối với hình ảnh gây hậu quả nghiêm trọng, đủ căn cứ cấu thành tội phạm thì tổ chức, cá nhân vị phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng. Dưới đây là một số tội phạm phổ biến liên quan đến hành vi vi phạm Quyền cá nhân đối với hình ảnh:
- Nếu sử dụng hình ảnh người khác trái phép trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù cao nhất là tù chung thân.
- Nếu trái phép dùng hình ảnh của người khác để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác trên mạng xã hội thì có thể phải chịu trách nhiệm về Tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam.
3. Cá nhân bị vi phạm Quyền cá nhân đối với hình ảnh phải làm những gì?
3.1. Tố cáo với cơ quan công an
Khi nhận thấy Quyền cá nhân đới với hình ảnh của mình có dấu hiệu bị xâm phạm, nạn nhân có thể làm đơn tố cáo với cơ quan công an cấp xã nơi người này cư trú (thường trú hoặc tạm trú). Trong đó, đơn tố cáo cần nêu rõ các nội dung:
- Họ tên người tố cáo.
- Nội dung tố cáo về việc bị xâm phạm Quyền cá nhân đối với hình ảnh như thế nào.
- Ngày, tháng, năm tố cáo.
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm… từ việc bị sử dụng hình ảnh không xin phép…
3.2. Khởi kiện ra tòa.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, ngoài việc tố cáo, nạn nhận bị xâm phạm Quyền cá nhân đối với hình ảnh có thể khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
4. Một số câu hỏi liên quan đến Quyền cá nhân đối với hình ảnh.
Câu hỏi 1: Trường hợp nào được dùng hình ảnh cá nhân mà không cần xin phép?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì có 2 trường hợp sau đây có thể được dùng hình ảnh cá nhân mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ::
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Câu hỏi 2: Cá nhân bị xâm phạm Quyền cá nhân đối với hình ảnh có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại như thế nào?
Khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, khi bị lấy thông tin (trong đó có hình ảnh) làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Do đó, khi quyền hình ảnh bị xâm hại, nếu có thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín… thì hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, mức bồi thường sẽ gồm: Chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thiệt hại về tinh thần; thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất…
Mức bồi thường này các bên hoàn toàn có thể thoả thuận được với nhau. Nếu không thoả thuận được thì căn cứ vào thiệt hại thực tế để tính. Riêng thiệt hại về tinh thần thì tối đa sẽ không quá 10 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ Nghị quyết 69 về mức lương cơ sở, từ 01/7/2023, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, do đó mức tối đa bồi thường thiệt hại về tinh thần mà nạn nhân có thể yêu cầu là 18 triệu đồng.
Câu hỏi 3: Doanh nghiệp có được dùng hình ảnh của nhân viên đã nghỉ việc để quảng cáo với mục đích thương mại không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác với mục đích thương mại thì phải được người đó đồng ý, đồng thời phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Như vậy, khi doanh nghiệp muốn sử dụng hình ảnh cá nhân của nhân viên để quảng cáo, dù cho nhân viên đã nghỉ việc hay chưa, thì đề cần sự đồng ý của cá nhân nhân viên và phải trả thù lao cho nhân viên đó.
Bài viết liên quan:
- Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
- Quy định của pháp luật về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn giấu
Để được tư vấn thêm về Quyền cá nhân đối với hình ảnh, quý khách hàng vui lòng liên hệ 1900 6178.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]