Trợ cấp dành cho người cao tuổi theo pháp luật hiện hành

Thứ 5 , 03/11/2022, 05:11


       Người cao tuổi là một trong các đối tượng “thế yếu” trong xã hội. Do đó, nước ta có khá nhiều trợ cấp dành cho đối tượng người cao tuổi. Vậy có những trợ cấp dành cho người cao tuổi nào? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Câu hỏi của bạn:

      Thưa luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp như sau: Bà tôi 70 tuổi và đang có ý định làm thủ tục để xin hưởng trợ cấp dành cho người cao. Vậy bà tôi có được hưởng trợ cấp dành cho người cao tuổi không và cần những giấy tờ gì để nộp? Tôi xin cảm ơn!

Câu trả lời của Luật sư: 

        Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về Thời gian sang tên xe máy, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về Thời gian sang tên xe máy như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Nghị định 20/2021/NĐ-CP

1. Thế nào là người cao tuổi?

     Theo quy định tại điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 quy định về người cao tuổi cụ thể như sau:

Điều 2: Người cao tuổi: 

Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

      Theo đó, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Người cao tuổi được hưởng các quyền lợi sau:

  • Được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu từ ăn, mặc, chỗ ở, đi lại hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe;
  • Được quyền quyết định sống chung với con cháu hay sống riêng theo ý muốn của bản thân;
  • Nhận được sự ưu tiên khi tham gia sử dụng các dịch vụ theo quy định của pháp luật người cao tuổi và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Được tạo điều kiện, hỗ trợ để tham gia các hoạt động văn hóa, thể thục, thể thao, giải trí, du lịch, nghỉ ngơi phù hợp với lứa tuổi và sở thích của bản thân;
  • Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe của bản thân, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội;
  • Được miễn các khoản tiền đóng góp vào các hoạt động xã hội, trừ các hoạt động người cao tuổi tự nguyện đóng góp;
  • Được ưu tiên nhận tiền trợ cấp, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khác phục khó khăn khi không may xảy ra thiên tai hay các sự kiện bất khả kháng khác;
  • Được tham gia vào Hội người cao tuổi Việt Nam.

2. Những trường hợp được hưởng trợ cấp dành cho người cao tuổi 

     Căn cứ theo khoản 5 điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người cao tuổi như sau:

Điều 5: Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng:

...

5. Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

...

     Như vậy, người cao tuổi ở Việt Nam là công dân 60 tuổi trở lên và để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì phải thuộc các đối tượng được nêu tại quy định trên.

     Theo quy định tại khoản 2 điều 17 Luật người cao tuổi 2009 và khoản 5 điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng phải thuộc một trong những trường hợp trên.

3. Hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi được quy định như thế nào?

     Căn cứ theo khoản 1 điều 7 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng như sau: 

Điều 7. Hồ sơ thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng

1. Hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

Tờ khai của đối tượng theo Mẫu số 1a, 1b, 1c, 1d, 1đ ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng bao gồm:

a) Tờ khai hộ gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng theo Mẫu số 2a ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tờ khai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội theo Mẫu số 2b ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Tờ khai của đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trong trường hợp đối tượng không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này.

     Như vậy, hồ sơ hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi sẽ áp dung mẫu số 1d Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP. 

4. Mức hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi là bao nhiêu?

      Căn cứ theo điểm đ khoản 1 điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:

Điều 6: Mức trợ cấp xã hội hàng tháng:

1. Đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng quy định như sau:

...

đ) Đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định này:

- Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi;

- Hệ số 2,0 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 80 tuổi trở lên;

- Hệ số 1,0 đối với đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 5;

- Hệ số 3,0 đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 5.

...

     Và căn cứ theo khoản 2 điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội như sau:

Điều 4: Múc chuẩn trợ cấp xã hội: 

...

2. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng.

Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.

...

     Như vậy, căn cứ vào mức chuẩn và hệ số của từng đối tượng theo quy định trên mà ta tính được mức hưởng trợ cấp cụ thể của từng nhóm người cao tuổi:

  • Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, từ 60 - 80 tuổi: 540.000 đồng.
  •  Người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người thân phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; đủ 80 tuổi trở lên được hưởng: 720.000 đồng
  • Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn: 360.000 đồng.
  •  Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng:: 360.000 đồng
  •  Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng: 1.080.000 đồng

5. Hỏi đáp về trợ cấp dành cho người cao tuổi:

Câu hỏi 1: Người cao tuổi có được cấp thẻ BHYT miễn phí?

     Theo khoản 8 điều 3 Nghị định 146/2018/ NĐ-CP, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này đồng nghĩa, các đối tượng này được cấp thẻ BHYT miễn phí.

     Đây cũng là quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Theo đó, các đối tượng người cao tuổi đáp ứng điều kiện đã nêu ở trên (thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí

Câu hỏi 2: Thời gian giải quyết trợ cấp dành cho người cao tuổi?

      Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể các trường hợp thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng.

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định và thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng cho đối tượng theo địa chỉ nơi cư trú mới.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Ngọc Hồng 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com