Pháp luật hiện hành quy định thừa kế thế vị là gì?

Thứ 3 , 30/08/2022, 10:05


Trên thực tế ghi nhận rất nhiều trường hợp người được hưởng di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thừa kế, dẫn đến việc di sản có thể sẽ được một người khác hưởng theo quy định về thừa kế thế vị. Vậy pháp luật hiện hành quy định thừa kế thế vị là gì?

Câu hỏi của bạn: 

     Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp như sau: Pháp luật hiện hành quy định thừa kế thế vị là gì?Tôi xin cảm ơn!

Trả lời của Luật sư:

     Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về thừa kế thế vị là gì cho chúng tôi, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời về thừa kế thế vị là gì như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự 2015

Nội dung tư vấn
1. Thừa kế thế vị được hiểu như thế nào?

    Thừa kế có nghĩa là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống nào đó. 

     Thừa kế được chia thành hai hình thức, đó là:

  •  Thừa kế theo di chúc: Thừa kế theo di chúc là sự chuyển tài sản của người đã chết cho những người còn sống theo ý chí của người có di sản

  •  Thừa kế theo pháp luật: Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

    Thừa kế thế vị nghĩa là thay thế một ai đó để được hưởng phần di sản mà đáng lẽ người trước đó được hưởng. Cụ thể thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay thế vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ mình (ông hoặc bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia đều di sản với những người thừa kế khác.

2. Các trường hợp được thừa kế thế vị

     Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau:

Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

     Theo đó, các trường hợp được thừa kế thế vị gồm:

  •  Trường hợp thứ nhất: Cháu thế vị cha hoặc mẹ hưởng phần di sản mà cha, mẹ của cháu được hưởng của ông, bà nếu cha, mẹ vẫn còn sống;

  •  Trường hợp thứ hai: Chắt thế vị cha hoặc mẹ hưởng phần di sản mà cha, mẹ của chắt được hưởng của cụ nếu cha, mẹ của chắt vẫn còn sống.

3. Điều kiện hưởng thừa kế thế vị

      Để có thể thừa kế thế vị thì cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:

     Thứ nhất, con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản.

     Thứ hai, người thừa kế thế vị phải thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người được hưởng di sản nhưng đã chết. người thế vị luôn ở vị trí đời sau, tức là chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ chứ không xảy ra trường hợp cha, mẹ thế vị con để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ.

     Thứ ba, người thừa kế thế vị phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. 

     Thứ tư, người thừa kế thế vị phải là người có quan hệ huyết thống về trực hệ với người được hưởng di sản nhưng đã chết. Tức là chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ. Ví dụ con nuôi không thể thay thế cha mẹ thừa kế thế vị di sản của ông, bà; nhưng nếu con nuôi chết trước cha, mẹ nuôi thì con đẻ của con nuôi có thể thừa kế thế vị bố mẹ hưởng phần di sản như các cháu có quan hệ huyết thống với người để lại di sản.

     Thứ năm, con của người để lại di sản nhưng đã chết khi còn sống phải có quyền được hưởng di sản thừa kế của người chết mà không bị tước hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế. Do đó, nếu bị tước hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì con hoặc cháu của những người này không thể thế vị.

     Thứ sáu, bản thân người thế vị phải có đủ điều kiện hưởng thừa kế của người được hưởng di sản nhưng đã chết.

     Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người không được quyền hưởng di sản như sau:

Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

     Thứ bảy, thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản vẫn còn những người khác. Nếu như những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản đều đã chết thì những người thuộc hàng thừa kế thứ hai sẽ được hưởng di sản, nên không thể áp dụng quy định thừa kế thế  vị.

     Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hàng thừa kế thứ hai như sau:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

     Pháp luật hiện hành chưa quy định chi tiết về thừa kế thế vị trong khi việc người được hưởng di sản thừa kế chết trước người để lại di sản xảy ra khá nhiều trên thực tế. Chính vì vậy để có thể áp dụng đúng quy định pháp luật cũng như đảm bảo được các quyền và lợi ích hợp pháp của người được hưởng thừa kế thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, quy định về thừa kế thế vị nói riêng là điều hết sức  cần thiết.

4. Câu hỏi liên quan đến Thừa kế thế vị là gì?

Câu hỏi 1: Thưa luật sư, ông nội tôi có số tiền tiết kiệm là 600 triệu đồng, ông có để lại di chúc là chia đều cho 3 người con trong đó có bác ruột tôi. Tuy nhiên bác đã qua đời trước khi ông mất và bác có một người con trai. Vậy luật sư cho tôi hỏi, người con trai của bác có được hưởng phần di sản của ông nội tôi để lại cho bác tôi không?

     Căn cứ theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015: 

Điều 652. Thừa kế thế vị

     Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

     Bác ruột của bạn là người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc của ông nội nhưng lại chết trước ông nội của bạn. Theo quy định tại Điều 652 về thừa kế thế vị, con ruột của bác bạn sẽ được thế vị bố để thừa kế phần di sản mà ông nội để lại.

Câu hỏi 2: Người thừa kế có cần thực hiện các nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại không?

     Căn cứ theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

     Vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành người thừa kế có trách  nhiệm phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về thừa kế thế vị là gì

Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về  thừa kế thế vị là gì,..Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

Tư vấn trực tiếp: Nếu bạn sắp xếp được công việc và thời gian bạn có thể đến trực tiếp Công ty Luật Toàn Quốc để được tư vấn về thừa kế thế vị là gì. Lưu ý trước khi đến bạn nên gửi câu hỏi, tài liệu kèm theo và gọi điện đặt lịch hẹn tư vấn trước để Luật Toàn Quốc sắp xếp Luật Sư tư vấn cho bạn, khi đi bạn nhớ mang theo hồ sơ.

Luật toàn quốc xin chân thành cảm ơn./. 

Chuyên viên: Châu Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com