Soạn thảo hợp đồng ủy quyền theo quy định pháp luật

Thứ 2 , 20/12/2021, 09:39


Hợp đồng ủy quyền được sử dụng khi một người muốn ủy quyền cho người khác nhân danh mình thực hiện những công việc pháp luật cho phép. Khi soạn thảo hợp đồng ủy quyền cần đảm bảo những nội dung cần có theo quy định pháp luật hiện hành.

     Hợp đồng ủy quyền là loại hợp đồng khá phổ biến hiện nay. Hợp đồng ủy quyền dùng trong trường hợp chủ thể có quyền không thực hiện được quyền của mình do điều kiện, hoàn cảnh khách quan và họ ủy quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đại diện họ thực hiện và hoạt động này.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật dân sự năm 2015;
  • Luật công chứng năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2018;

1. Hợp đồng ủy quyền là gì?

   Căn cứ theo quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự 2015:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

   Hợp đồng ủy quyền là một loại hợp đồng dân sự và được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống. Khi một cá nhân mong muốn giao cho một cá nhân khác những quyền của mình một cách hợp pháp, cá nhân đó sẽ thực hiện hành vi ủy quyền.    

   Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc đã thỏa thuận nhân danh bên ủy quyền.

2. Nội dung cần có trong hợp đồng ủy quyền

     Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, tuy nhiên khi soạn thảo hợp đồng ủy quyền cần đảm bảo về mặt nội dung. Cụ thể trong hợp đồng thông thường có những nội dung sau:

  • Thông tin các bên giao kết: bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền;
  • Căn cứ ủy quyền: Bên ủy quyền đưa ra những căn cứ cho thấy mình có quyền hoặc được phép thực hiện những công việc nêu trong phạm vi ủy quyền;
  • Phạm vi ủy quyền: Đây là phần đặc biệt quan trọng mà các bên cần chú ý làm rõ. Phạm vi ủy quyền cần được nêu cụ thể công việc cần thực hiện để tránh trường hợp bên nhận ủy quyền lạm dụng quyền trong phạm vi này. Tuy nhiên, nếu phạm vi ủy quyền quá hẹp thì bên ủy quyền sẽ cần phải lập thêm hợp đồng khác nếu muốn bên nhận ủy quyền thực hiện công việc không nằm trong phạm vi này, gây tốn thời gian và công sức;
  • Thời hạn ủy quyền: nếu trong hợp đồng không quy định điều khoản này thì pháp luật mặc định thời hạn ủy quyền là 01 năm kể từ ngày ký hợp đồng;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên: Quyền và nghĩa vụ của các bên cần đáp ứng theo quy định từ Điều 565 – Điều 568 Bộ luật dân sự 2015, ngoài những quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định, các bên có thể thỏa thuận thêm các quyền, nghĩa vụ khác tùy thuộc vào tính chất công việc ủy quyền, miễn không trái với quy định của pháp luật;
  • Thù lao bên nhận ủy quyền được hưởng (nếu có): cần ghi rõ mức thù lao, phương thức và thời hạn thanh toán;
  • Phương thức giải quyết tranh chấp;
  • Các thỏa thuận khác không trái với quy định của pháp luật.

 

3. Trường hợp nào cần soạn thảo hợp đồng ủy quyền

     Theo quy định pháp luật ủy quyền có thể được thực hiện theo hai hình thức: Bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, theo quy định việc ủy quyền cần được lập thành văn bản dưới dạng hợp đồng như:

  • Ủy quyền đăng ký hộ tịch;
  • Cá nhân uy quyền cho người khác xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1;
  • Ủy quyền giao dịch;
  • Ủy quyền khi mang thai hộ;
  • Ủy quyền giữa cổ đông công ty cho người khác;
  • Người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình;
  • Chủ tịch doanh nghiệp Nhà nước vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày ủy quyền cho người khác thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch công ty;
  • Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì ủy quyền cho một thành viên khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị;
  • Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt hoặc không đủ năng lực để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình ủy quyền cho một thành viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên;
  • Đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền tham gia tố tụng hành chính;
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam được nhận thừa kế thì ủy quyền cho người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất nộp hồ sơ việc nhận thừa kế;
  • Đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự, trừ trường hợp ly hôn;
  • Chủ nợ ủy quyền cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ;
  • Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nếu không tham Hội nghị chủ nợ thì ủy quyền cho người khác tham gia;
  • Người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền để thực hiện điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở.....

     ​Hiện nay theo quy định pháp luật chỉ có quy định về hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, trên thực tế việc ủy quyền còn được thể hiện dưới dạng Văn bản giấy ủy quyền. Giấy ủy quyền có nội dung bên ủy quyền; bên nhận ủy quyền, nội dung công việc ủy quyền, thời gian ủy quyền giữa bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền.

 

4. Câu hỏi liên quan tới soạn thảo hợp đồng ủy quyền

Câu hỏi 1: Vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận mang thai hộ được thực hiện bằng miệng (lời nói) không?

   Tại Khoản 2, Điều 96 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

Điều 96. Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

2. Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý.”

   Như vậy văn bản ủy quyền trong trường hợp này phải có công chứng, lưu ý, việc ủy quyền cho bên thứ ba không có giá trị pháp lý.

Câu 2: Hợp đồng ủy quyền có bắt buộc phải công chứng, chứng thực không?

   Hiện nay, trong quy định Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định nào bắt buộc Hợp đồng ủy quyền phải công chứng hay chứng thực. Tuy nhiên, tùy vào từng lĩnh vực, từng công việc pháp luật có quy định cụ thể các trường hợp bắt buộc công chứng hợp đồng ủy quyền.

   Do vậy, qua phân tích có thể xác định, tùy vào từng trường hợp mà Giấy ủy quyền có thể bắt buộc phải công chứng, chứng thực hoặc không, dựa trên nội dung của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp, pháp luật không yêu cầu Giấy ủy quyền phải công chứng thì các bên tham gia quan hệ ủy quyền vẫn có thể công chứng Giấy ủy quyền theo yêu cầu. 

Câu hỏi 3: Trường hợp nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền?

     Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

     Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về Soạn thảo hợp đồng ủy quyền

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi liên quan đến hợp đồng ủy quyền hoặc sử dụng dịch vụ soạn thảo hợp đồng ủy quyền của Luật Toàn Quốc. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi câu hỏi về soạn thảo hợp đồng ủy quyền tới địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

   Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

                                                                                                                                    Chuyên viên: Trà My

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com