Trong trường hợp một bên chết tài sản của vợ chồng được giải quyết như thế nào theo quy định pháp luật?

Thứ 5 , 03/08/2023, 16:07


Tài sản của vợ chồng theo chế độ tài sản luật định bao gồm tài sản chung và tài sản riêng hoặc theo thỏa thuận của hai bên. Vậy trong trường hợp một bên chết, tài sản của vợ chồng sẽ được giải quyết như thế nào theo quy định của pháp luật?

Câu hỏi của bạn:

     Thưa Luật sư, khi một trong hai bên là tôi hoặc chồng tôi chết, tài sản của vợ chồng chúng tôi sẽ được giải quyết như thế nào? Mong Luật sư tư vấn giúp tôi, tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời của Luật sư:

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi về trường hợp một bên chế, tài sản của vợ chồng được giải quyết như thế nào. Chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn như sau:

Căn cứ:

  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Chế độ tài sản của vợ chồng là gì?

     Theo quy định tại Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc theo thỏa thuận. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng căn cứ Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

  • Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
  • Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện về đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
  • Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

2. Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định

   a. Tài sản chung của vợ chồng

     Tài sản chung của vợ chồng bao gồm:

  • Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 40 của Luật này;
  • Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung;
  • Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;
  • Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
  • Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

     Chú ý: Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

   b. Tài sản riêng của vợ, chồng

     Tài sản riêng của vợ, chồng theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm:   

  • Tài sản mỗi người có trước khi kết hôn;
  • Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại Điều 38, 39, 40 của Luật này;
  • Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;
  • Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

     Chú ý: Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 và Khoản 1 Điều 40 của Luật này.

3. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

     Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận đó phải được lập ra trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

     Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo Khoản 1 Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm:

  • Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
  • Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
  • Nội dung khác có liên quan.

4. Trong trường hợp một bên chết, tài sản của vợ chồng được giải quyết như thế nào?

     Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

     Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết

     1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

     2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

     3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

     4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.

     Như vậy, tài sản của vợ chồng khi một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết có thể được chia theo yêu cầu của người thừa kế hoặc yêu cầu của chính người chồng hoặc người vợ còn sống. Nguyên tắc trong chia tài sản đó là:

  • Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ khi trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
  • Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

     Chú ý: Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.

   a. Chia tài sản của vợ chồng khi một bên chết có để lại di chúc

     Số tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi hoặc chia theo sự thỏa thuận của hai bên trước đó.

     Phần di sản của bên chết se được chia theo di chúc. Trường hợp bên chết không để lại di sản thừa kế cho vợ hoặc chồng còn sống theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của người thừa kế theo pháp luật.

   b. Chia tài sản của vợ chồng khi một bên chết không để lại di chúc

     Số tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi hoặc theo sự thỏa thuận của hai bên trước đó.

     Số di sản của bên chết sẽ được chia theo pháp luật. Vọ hoặc chồng còn sống thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 sẽ được hưởng một phần di sản của bên chết dù đã thực hiện chia tài sản chung vợ chồng.

5. Hỏi đáp về giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết

Câu hỏi 1: Trong trường hợp một bên chết, vợ hoặc chồng còn sống phải chia tài sản cho con riêng của bên đã chết không?

     Căn cứ: Điều 651 và Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

     Trong trường hợp không có di chúc di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật, dựa theo thứ tự sau đây:

  • Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết
  • Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại
  • Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại

     Như vậy, trong Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 không có sự phân biệt quyền hưởng di sản của con chung và con riêng của bên chết. Tuy nhiên tại Điều 654 đã quy định con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.

Câu hỏi 2: Tài sản chung của vợ chồng khi được chia đôi có tính đến các yếu tố nào không?

     Căn cứ: Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

     Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi sẽ tính đến các yếu tố sau đây:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập
  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng

      Mọi vướng mắc liên quan về giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết, khách hàng có thể liên hệ đến số 1900.6178 để được hỗ trợ.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Hồng Anh

 

 

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com