Con đẻ và con nuôi có được kết hôn với nhau không

Thứ 7 , 29/04/2023, 19:11


Trong thời gian gần đây có rất nhiều khách hàng hỏi về vấn đề con đẻ và con nuôi có được kết hôn với nhau không, vậy pháp luật quy định về vấn đề này ra sao? Luật Toàn Quốc sẽ giải đáp giúp bạn đọc những thắc mắc qua bài viết dưới đây.  

     Câu hỏi của bạn:        

     Xin chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi Con đẻ và con nuôi có được kết hôn với nhau không? Rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn !

Câu trả lời của Luật sư:

     Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Con đẻ và con nuôi có được kết hôn với nhau không, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Nội dung tư vấn: 

1. Điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật:

     Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn. Theo đó, nam, nữ kết hôn với nhau phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:

     Một là, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

     Hai là, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

     Ba là, không bị mất năng lực hành vi dân sự;

     Bốn là, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn:

  • Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
  • Kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

     Lưu ý: Quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính hiện nay Nhà nước không cấm đồng thời cũng không thừa nhận.

2. Con đẻ và con nuôi có được kết hôn với nhau không?

     Xét mối quan hệ giữa con đẻ và con nuôi. Con đẻ và con nuôi thì đều có cha mẹ chung nhưng việc xác lập quan hệ giữa con đẻ và con nuôi với cha mẹ thì khác nhau. Việc xác lập mối quan hệ giữa con đẻ là cha mẹ là mối quan hệ huyết thống máu mủ với nhau, còn mối quan hệ giữa con nuôi với cha mẹ là mối quan hệ pháp luật thông qua thủ tục nhận nuôi con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy thì giữa con đẻ và con nuôi không có quan hệ huyết thống với nhau.

     Mà tại điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm trường hợp: “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”. Tức là việc kết hôn giữa hai người có quan hê hệ huyết thông nuôi dưỡng với nhau.

  •  Những người cùng dòng máu trực hệ: là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người – kia kế tiếp nhau 
  •  Những người trong phạm vi ba đời: là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba 
  •  Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng

     Như vậy, pháp luật hiện hành không có quy định cấm kết hôn giữa con đẻ và con nuôi. Theo quy định trên, không có trường hợp con nuôi và con đẻ không được kết hôn với nhau. Do đó, nam, nữ thuộc trường hợp con nuôi và con đẻ nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì có thể kết hôn với nhau.

3. Thủ tục đăng ký kết hôn:

     Bước 1: Nộp hồ sơ:

     Hai bên nam, nữ nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn hoặc nộp hồ sơ trực tuyến của cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công cấp tỉnh (có phiếu hẹn, trả kết quả qua thư điện tử hoặc gửi tin nhắn hẹn trả kết quả qua điện thoại di động đối với hình thức nộp hồ sơ trực tuyến). 

     Thành phần hồ sơ bao gồm:

  •  Tờ khai đăng ký kết hôn (Theo mẫu tại thông tư 15/2015/TT-BTP, khách hàng có thể bấm vào link để tải mẫu tờ khai đăng ký kết hôn chuẩn)
  •  Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân
  •  Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu đăng ký kết hôn khác Ủy ban nhân dân xã thường trú)

     Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ:

     Công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ do người yêu cầu xuất trình hoặc nộp.

  • Nếu hồ sơ đầy đủ và đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình,

     Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

     Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến: Công chức tư pháp - hộ tịch sao chụp, chuyển thành tài liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và ký số vào tài liệu, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo quy định đồng thời gửi lại biểu mẫu Giấy chứng nhận kết hôn điện tử với thông tin đầy đủ cho người yêu cầu qua thư điện tử hoặc thiết bị số.

  • Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có thông báo cho người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện.
  • Nếu người có yêu cầu đăng ký kết hôn không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì có thông báo từ chối giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn. 

     Thời hạn giải quyết: 15 giờ làm việc, nếu sau 15 giờ chưa giải quyết xong thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

     Bước 3: trả kết 

     Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Mỗi bên nam, nữ nhận 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn

     Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến: người có yêu cầu nhận biểu mẫu Giấy chứng nhận kết hôn điện tử với thông tin đầy đủ qua thư điện tử hoặc thiết bị số.

4. Hỏi đáp về Con đẻ và con nuôi có được kết hôn với nhau không

Câu hỏi 1: Có được ủy quyền cho người khác đăng ký kết hôn hộ không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch như sau:

     " Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại".

     Như vậy, Không thể ủy quyền cho người khác đăng ký kết hôn hộ được.

Câu hỏi 2: Có được đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú không?

     Căn cứ theo quy định tại Khản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn như sau: "Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn".

     Theo đó, việc đăng ký kết hôn có thể thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú bao gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của một trong hai bên nam, nữ đều được. 

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về Con đẻ và con nuôi có được kết hôn với nhau không

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về Con đẻ và con nuôi có được kết hôn với nhau không. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi câu hỏi về Con đẻ và con nuôi có được kết hôn với nhau không tới địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

                                                                                                                                Chuyên viên: Thu Thủy

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com