Quy định về các hàng thừa kế theo pháp luật

Thứ 3 , 12/11/2024, 09:09


Việc chia di sản thừa kế luôn được quan tâm khi có một người mất đi. Có hai hình thức chia di sản: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Việc thừa kế theo pháp luật cần phải xác định hàng thừa kế. Vậy các hàng thừa kế theo pháp luật gồm những gì? 

Câu hỏi của bạn:        

     Xin chào luật sư! Ông nội tôi mất được 2 tháng, khi ông mất không để lại di chúc. Hiện nay gia đình tôi có mong muốn chia di sản của ông nhưng không biết ai được hưởng phần di sản của ông. Vậy luật sư cho tôi hỏi các hàng thừa kế theo pháp luật được quy định như thế nào?  Rất mong được Luật sư giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời của luật sư:

       Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Các hàng thừa kế theo pháp luật, chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về vấn đề Các hàng thừa kế theo pháp luật như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật Dân sự 2015

Nội dung tư vấn:

1. Hàng thừa kế là gì?

     Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản.

     Trong đó, thừa kế được chia thành 02 hình thức:

  • Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi còn sống. 
  • Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết cho người sống theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. 

     Hàng thừa kế là quy định nhằm xác định thứ tự phân chia di sản thừa kế của những người thừa kế theo pháp luật, hàng thừa kế bao gồm hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ 2 và hàng thừa kế thứ ba. Điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

     Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

2. Các hàng thừa kế theo pháp luật

     Theo Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định có 03 hàng thừa kế:

2.1. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết

  • Quan hệ giữa vợ chồng với nhau

     Vợ là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của người chồng và ngược lại. Nhưng, vợ hoặc chồng là người thừa kế của nhau khi hai vợ chồng có đăng ký kết hôn hợp pháp. Đối với một số trường hợp đặc biệt cần lưu ý tại Điều 655 Bộ luật dân sự 2015:

     - Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

     - Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

     - Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

  • Quan hệ giữa cha mẹ đẻ với con đẻ, cha mẹ nuôi với con nuôi

     Cha mẹ đẻ là người trực tiếp sinh ra người đó. Trường hợp này không loại trừ trường hợp con trong giá thú hay còn ngoài giá thú. Cứ là con mình đẻ ra thì sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và ngược lại.

     Đối với quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi được công nhận là hàng thừa kế thứ nhất khi và chỉ khi mối quan hệ đó được đăng ký theo quy định của pháp luật.

     Nếu cha nuôi hoặc mẹ nuôi mà kết hôn với người khác thì người con nuôi đó không đương nhiên trở thành con nuôi của người đó, cho nên họ sẽ không là người thừa kế của nhau theo pháp luật

2.2. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

  • Quan hệ thừa kế giữa ộng nội, bà nội với cháu nội, giữa ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại và ngược lại

     Ông nội, bà nội là người sinh ra cha của cháu, ông ngoại, bà ngoại thì là người sinh ra mẹ của cháu. và Quan hệ ông - cháu chỉ được xác định trên quan hệ huyết thống. 

     Thời điểm ông chết mà bố mẹ không còn hoặc bị truất quyền, không có quyền hưởng di sản thì khi đó cháu ruột của ông bà sẽ được hưởng một phần di sản của ông bà để lại. 

  • Quan hệ giữa anh chị em ruột với nhau

     Anh chị em ruột có thể là người cùng cha mẹ, cùng cha hoặc cùng mẹ. Không phân biệt con trong giá thú hay con ngoài giá thú, nếu anh chị ruột chết trước thì em ruột được hưởng di sản của anh chị ruột và ngược lại. 

     Con riêng của vợ và con riêng của chồng không được gọi là anh chị em ruột của nhau. Con nuôi sẽ không đương nhiên thành anh chị em ruột với con đẻ của người đó. Vì vậy, những trường hợp này thì không phải là hàng thừa kế thứ hai của nhau. 

     Nhưng trường hợp người có anh chị em ruột làm con nuôi của người khác thì vẫn thuộc hàng thừa kế thứ hai của nhau và được hưởng phần di sản từ anh chị em ruột của mình.

2.3. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

  • Quan hệ giữa cụ nội với chắt nội, giữa cụ ngoại với chắt ngoại

     Cụ nội là người sinh ra ông hoặc bà nội của người đó, cụ ngoại là người sinh ra ông hoặc bà ngoại của người đó. 

     Trường hợp cụ nội, cụ ngoại mất mà người thừa kế ở hàng thứ nhất và hàng thứ hai không còn hoặc từ chối nhận di sản hoặc bị truất quyền hưởng thừa kế thì khi đó chắt sẽ được hưởng di sản của cụ.

  • Quan hệ giữa bác ruột, cô ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột với cháu ruột và ngược lại

     Bác ruột, cô ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột là anh chị em ruột với bố hoặc mẹ của người đó. Khi cháu ruột chết, anh chị em ruột của bố, mẹ thuộc hàng thừa kế thứ ba của cháu và ngược lại.

     Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin vì vậy bạn có thể kiểm tra hàng thừa kế của ông nội còn những người nào để thực hiện việc phân chia di sản thừa kế theo quy định.

3. Trường hợp áp dụng chia di sản theo hàng thừa kế

     Việc xác định hàng thừa kế chỉ xảy ra khi thừa kế theo pháp luật và được quy định cụ thể tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

  • Không có di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

     Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

4. Hỏi đáp về các hàng thừa kế theo pháp luật

Câu hỏi 1: Thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế là bao lâu?

    Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế như sau:

  • Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
  • Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
  • Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Câu hỏi 2: Tài sản không có người thừa kế thì xử lý như thế nào?

     Theo Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015 trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về các hàng thừa kế theo pháp luật

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về các hàng thừa kế theo pháp luật và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về các hàng thừa kế theo pháp luật tới địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Lê Hằng

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]