Phân loại các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

Thứ 6 , 29/09/2023, 15:36


Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự là thủ tục tố tụng đặc thù trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Bằng cách áp dụng những biện pháp này, vụ việc dân sự sẽ được tiến hành một cách hiệu quả và được giải quyết triệt để hơn. Trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có ghi nhận 17 biện pháp khẩn cấp tạm thời, bài viết dưới đây sẽ làm rõ và phân loại 17 biện pháp này.

1. Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự là gì?

     Hiện nay Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 chưa có một điều khoản nào giải thích cụ thể về khái niệm Biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên theo cách hiểu thông thường, biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp được Toà án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo quản tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được gây ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình thi hành án.

2. Đặc điểm của biện pháp khẩn cấp tạm thời

     Đặc điểm dễ nhận biết của biện pháp khẩn cấp tạm thời là nó vừa mang tính khẩn cấp, vừa mang tính tạm thời. 

  • Tính khẩn cấp thể hiện ở việc nó đòi hỏi Toà án phải xem xét và lập tức đưa ra quyết định áp dụng biện pháp này (có thể là trước hay trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ việc dân sự ngay khi có yêu cầu của đương sự hoặc Toà án tự quyết định) cũng như biện pháp cần được thi hành ngay.

  • Tính tạm thời thể hiện ở chỗ Toà án sẽ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định có tính thời điểm. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải là quyết định cuối cùng để giải quyết bản án dân sự.

3. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

     Theo Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam 2015 có tổng cộng 17 biện pháp khẩn cấp tạm thời, dựa vào từng tiêu chí khác nhau có thể có nhiều cách phân loại khác nhau như tiêu chí về chủ thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tiêu chí về đối tượng được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời,... Nếu phân loại dựa vào bản chất, mục đích của các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì có thể phân loại thành 5 nhóm:

3.1. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ 

Bao gồm:

  • Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng: Việc thực hiện các biện pháp thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng này đa số được nhìn thấy ở quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân. Việc buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng được dựa trên căn cứ rằng việc không thực hiện ngay một phần nghĩa vụ này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người được cấp dưỡng.

  • Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm: Việc thực hiện một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong trường hợp nạn nhân của việc bị xâm phạm cần được chữa trị trong trường hợp sức khoẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng 

  • Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động: Biện pháp này cần được áp dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định của pháp luật.

3.2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp

Bao gồm:

  • Kê biên tài sản đang tranh chấp: ​Kê biên là hoạt động bảo đảm thi hành án do cơ quan thi hành án tiến hành kiểm kê, lập danh sách tài sản thuộc sở hữu của bị can, bị cáo hoặc người có trách nhiệm dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Khi người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ mà có nhiều tài sản để thi hành án thì việc kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản.

  • Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp: Ví dụ một cách dễ hiểu, khi yêu cầu tòa án giải quyết về vấn đề tranh chấp hợp đồng quyền sử dụng đất, thì đương sự có thể làm đơn áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cho mảnh đất này để tránh người kia bán đất lại cho người khác.

  • Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp: Biện pháp này sẽ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó để đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của người bị ảnh hưởng.

  • Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác: Biện pháp này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có tài sản đang tranh chấp hoặc liên quan đến tranh chấp mà có hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác ở thời kỳ thu hoạch hoặc không thể bảo quản được lâu dài.

  • Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án: Biện pháp này nhằm bảo đảm giải quyết vụ án dân sự mà vụ án đó do chủ sở hữu tàu bay, chủ nợ trong trường hợp tàu bay là tài sản bảo đảm, người bị thiệt hại do tàu bay đang bay gây ra hoặc người có quyền, lợi ích liên quan đối với tàu bay khởi kiện theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam.

3.3. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản, tài khoản

Bao gồm:

  • Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước: Thông thường việc phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng trong các hoạt động khi người có nghĩa vụ có thu nhập ổn đinh và có thẻ ngân hàng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

  • Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ: Biện pháp này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

  • Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ: Biện pháp này được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

3.4. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc thực hiện những hành vi nhất định

Bao gồm:

  • Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định: Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.

  • Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ: Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ được áp dụng nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

  • Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình: Cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình được áp dụng nếu biện pháp đó là cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình.

  • Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu: Tạm dừng việc đóng thầu, phê duyệt danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng được áp dụng nếu quá trình giải quyết vụ án cho thấy việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

  • Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục: Khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến những người này mà họ chưa có người giám hộ. Việc giao người chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người đó.

​     Ngoài ra, những biện pháp khẩn cấp tạm thời khác như: Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm; Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động; Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động cũng được xếp vào nhóm này.

3.5. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác do pháp luật quy định

     Ngoài các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 16 Điều 114 của Bộ luật này, Tòa án có trách nhiệm giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác do luật khác quy định.

4. Hỏi đáp về các biện pháp khẩn cấp tạm thơi trong tố tụng dân sự

Câu hỏi 1. Toà án có thể tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong những trường hợp nào?

     Theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 5 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP, Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó liên quan đến vụ án đang giải quyết;
  •  Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là thực sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách
  •  Đương sự không làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì có lý do chính đáng hoặc trở ngại khách quan.

Câu hỏi 2. Nếu tài sản tranh chấp không còn nữa thì bản án, quyết định của Toà án đối với vụ việc dân sự còn hiệu lực hay không?

     Trong trường hợp tài sản tranh chấp không còn do Toà án không kịp thời áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì bản án, quyết định của Toà án sẽ có hiệu lực trên giấy, tuy nhiên sẽ không có hiệu lực thi hành trên thực tế.

     Để được tư vấn thêm những thông tin hay thủ tục cần thiết về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com