Quy định về các chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Thứ 3 , 15/02/2022, 03:28


      Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh. Các giao dịch và hoạt động nhân danh doanh nghiệp được thực hiện thông qua người đại diện. Bài viết dưới đây hướng dẫn chi tiết các vấn đề liên quan đến các chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Câu hỏi của bạn:

   Xin chào Luật sư, Tôi muốn tư vấn các quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bao gồm các chức danh gì. Mong luật sư giải đáp cho tôi. Xin chân thành cảm ơn! 

Câu trả lời của luật sư:

      Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Bộ luật dân sự 2015.

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là gì?

      Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

      Với chức năng đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quá trình hoạt động. Căn cứ theo điều 13 luật doanh nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

  • Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
  • Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
  • Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.

      Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm theo quy định trên.

3. Điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

     Người đại diện theo pháp luật phải thuộc trường hợp không bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp. Theo đó, không phải các đối tượng sau:

  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật doanh nghiệp, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; 
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

      Ngoài ra, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, vị trí công tác và quy chế nội bộ mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải đáp ứng thêm các điều kiện về chuyên môn và kinh nghiệm.

4. Chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

      Theo quy định của luật doanh nghiệp 2020, tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà người đại diện theo pháp luật sẽ có các chức danh khác nhau như: Chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên.....Dưới đây là quy định cụ thể về chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp với từng loại hình doanh nghiệp cụ thể.

4.1. Chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công ty TNHH 1 thành viên

      Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.

4.2. Chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công ty TNHH hai thành viên trở lên

       Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

4.3. Chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công ty cổ phần

       Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

4.4. Chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công ty hợp danh

       Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.

4.5. Chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân

       Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

      >>>Xem thêm: Quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành

5. Câu hỏi thường gặp về chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Câu hỏi 1: Công ty có thể đăng ký nhiều người đại diện theo pháp luật không thưa luật sư?

      Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu hỏi 2: Hợp đồng, giao dịch không do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký có giá trị không?

       Căn cứ theo Bộ luật dân sự 2015, Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện. Như vậy, về nguyên tắc các giao dịch của công ty phải do người đại diện theo pháp luật ký. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các giao dịch không do người đại diện theo pháp luật ký vẫn có hiệu lực như:

  • Doanh nghiệp đã công nhận giao dịch;
  • Doanh nghiệp biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
  • Doanh nghiệp có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.

 

      Trên đây là ý kiến tư vấn của luật Toàn Quốc liên quan đến người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Để biết thêm chi tiết hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý của chúng tôi xin vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

  • Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về các chức danh của người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp hoặc các vấn đề liên quan theo quy định pháp luật mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
  • Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Văn Chung

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com